Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

VKT02

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Đột phá hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực để phát triển bền vững

Với vị trí đặc biệt, vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam có đóng góp lớn đối với tăng trưởng cả nước trong thời gian qua.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của vùng đang chậm lại do tác động của dịch bệnh và nhiều điểm nghẽn đang cần được tháo gỡ kịp thời, trong đó tập trung lớn là giải quyết bài toán về hạ tầng giao thông (HTGT) và nguồn nhân lực.

Giao thông phải đi nhanh, đi trước

Vùng KTTĐ phía Nam gồm 6 địa phương khu vực Đông Nam Bộ và 2 tỉnh: Long An, Tiền Giang. Đây được xem là “vùng động lực” tăng trưởng kinh tế với GRDP chiếm hơn 35% của cả nước, xuất khẩu chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước... Những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của vùng đã chậm lại bởi nhiều yếu tố khác nhau.

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu ví HTGT là “mạch máu” của vùng KTTĐ phía Nam thì một số “mạch máu” của vùng đang bị tắc nghẽn, cần được khơi thông để bảo đảm sự phát triển bền vững. PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cản trở lớn nhất cho sự phát triển vùng Đông Nam Bộ nói riêng, vùng KTTĐ phía Nam nói chung hiện nay vẫn là giao thông.

Tốc độ đầu tư HTGT trong vùng còn chậm so với tốc độ phát triển kinh tế, tính kết nối và đồng bộ còn yếu. Do vậy, rất cần các cơ chế, chính sách mới để thúc đẩy phát triển HTGT kết nối liên vùng.

Yếu tố tắc nghẽn giao thông thấy rõ nhất là tại TP Hồ Chí Minh, nơi đang thiếu sự kết nối giao thông đủ mạnh, thường xuyên xảy ra ùn tắc ở khu vực cửa ngõ, nhất là dịp lễ, tết. Theo quy hoạch, sẽ có 6 tuyến đường cao tốc kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh lân cận nhưng hiện mới hoàn thiện được hai tuyến đường, gồm cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây và cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương.

Trên thực tế, hai tuyến đường này đều đang ở tình trạng quá tải. Các dự án đường vành đai 2, 3, 4 đều chậm tiến độ... Hệ thống kết nối giao thông đường sắt, đường thủy chưa hiệu quả.

Đồng chí Phạm Bình An, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Quan trọng nhất là cần có cơ chế khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là dưới hình thức đối tác công-tư gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để hoàn thiện mạng lưới kết nối giao thông với tinh thần “giao thông phải đi trước một bước”. Tuy nhiên, các địa phương cần phải đi cùng nhau, thống nhất trục giao thông động lực, tạo sức lan tỏa".

Là địa phương có cách làm đột phá, luôn đi nhanh, đi trước trong đầu tư phát triển giao thông, tỉnh Bình Dương đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, kết cấu HTGT trên địa bàn ngày càng hoàn thiện, kết nối với các địa phương lân cận. Bên cạnh các tuyến quốc lộ: 1A, 1K và 13 đã và đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng, tỉnh đã đầu tư các trục giao thông mang tính kết nối vùng như: Đường Tân Vạn-Mỹ Phước-Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng, Vành đai 3. 

Theo đồng chí Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương: Để thu hút đầu tư ngày càng hiệu quả, tỉnh đang xây dựng và phát triển HTGT đồng bộ, hiện đại. Cách làm của tỉnh là phát triển HTGT gắn với phát triển đô thị và huy động các nguồn lực đầu tư theo hướng xã hội hóa, vốn đầu tư từ ngân sách sẽ ưu tiên đầu tư những dự án giao thông trọng điểm, các công trình thiết yếu, quan trọng, có tác động lan tỏa, tạo động lực, đặc biệt là các tuyến đường kết nối vùng.

Là địa phương có thế mạnh về cảng biển, đồng chí Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng: "Phát triển đồng bộ hệ thống HTGT kết nối vùng KTTĐ phía Nam là rất quan trọng để phát triển toàn vùng. Trong đó, chú trọng ưu tiên đầu tư các tuyến giao thông kết nối cảng biển nước sâu, cảng hàng không quốc tế, khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng".

Các chuyên gia kinh tế đã nhận định rằng, địa phương và Trung ương cùng hợp lực để giải quyết bài toán giao thông của vùng, nhất là việc khơi thông nguồn lực đầu tư đối với các dự án HTGT quy mô vùng. Trước mắt, tập trung thúc đẩy và hoàn thành các dự án hiện đang triển khai trong giai đoạn 2021-2026, phát triển các tuyến vận tải công cộng nội đô và liên tỉnh, tái sắp xếp hệ thống cảng biển, cảng thủy.

Theo dự kiến, đến năm 2025, nhiều dự án HTGT kết nối vùng KTTĐ phía Nam sẽ hoàn thành xây dựng hoặc giai đoạn 1 và đưa vào khai thác, tạo ra “bức tranh mới” đối với mạng lưới giao thông kết nối vùng. Trong đó, nổi bật là các tuyến cao tốc: Bến Lức-Long Thành, TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ (đoạn Mỹ Thuận-Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2), Biên Hòa-Vũng Tàu, cùng với đó là đường Vành đai 3-TP Hồ Chí Minh...

Hiện các địa phương cũng đang khẩn trương phát triển hệ thống giao thông kết nối, chờ đợi đấu nối vào những dự án trọng điểm trên nhằm góp phần phá thế “độc đạo” của một số tuyến giao thông hiện nay, tạo điều kiện cho các địa phương bứt phá phát triển.

VKT04

Cần chiến lược căn cơ cho nguồn nhân lực

Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, chất lượng lao động của khu vực Đông Nam Bộ ngày càng được cải thiện, công tác xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp đứng đầu cả nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của vùng tăng từ 19,6% (năm 2005) lên 29,5% (năm 2020), cao hơn so với cả nước (cả nước đạt 24,1%).

Tuy nhiên, hiện nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực Đông Nam Bộ nói riêng, vùng KTTĐ phía Nam nói chung vẫn đang xảy ra bài toán lệch pha cung-cầu theo dạng “thừa mà thiếu, thiếu mà thừa”, nhất là sau dịch Covid-19. Vấn đề chính là yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực đối với nhu cầu thực tiễn cho sự phát triển của vùng.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, việc tiếp tục phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những đột phá chiến lược để toàn vùng phát triển. Bên cạnh đó, không thể quản lý nhân lực theo ranh giới hành chính mà phải đặt ở phạm vi cả vùng và các chính sách chung cho cả vùng.

Với đặc thù phát triển của vùng KTTĐ phía Nam, cần chú trọng quy hoạch và đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn đào tạo với thực hành để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới và hội nhập quốc tế.

TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ phân tích rằng: Thế mạnh của vùng KTTĐ phía Nam là có Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và hệ thống các cơ sở giáo dục đa dạng, hiện đại. Vì vậy, cần phát huy vai trò định hướng và liên kết hoạt động đào tạo nguồn nhân lực theo cơ chế “3 nhà” gồm các cơ sở giáo dục với doanh nghiệp sử dụng lao động và chính quyền. Bên cạnh việc quy hoạch, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, cần quan tâm đào tạo chuyên gia khoa học đầu ngành ví như “tài sản” của vùng.

Tại Bình Dương đã có cách làm đột phá khi Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 19-CTr/TU đặt ra mục tiêu hướng đến năm 2030, nguồn nhân lực chất lượng cao được phát triển theo bậc đào tạo, ngành đào tạo và chủ thể phát triển kinh tế-xã hội, tập trung cho ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao. Trong đó, một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu của một trung tâm công nghiệp hiện đại và liên vùng.

Ở góc độ cơ sở giáo dục, PGS, TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết: "Đơn vị đang thực hiện Đề án “Chiến lược đào tạo nhân lực công nghệ số phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và thúc đẩy xã hội số”.

Qua đó, tăng quy mô đào tạo trong điều kiện bảo đảm chất lượng đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế số giai đoạn 2021-2030. Vùng KTTĐ phía Nam cần ưu tiên đầu tư cho công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và cơ chế sử dụng nhân tài, nên chuyển từ lợi thế nhân công giá rẻ sang lợi thế nhân lực trình độ cao. Trước mắt, nên triển khai cơ chế đặt hàng để đào tạo ra nguồn nhân lực đúng địa chỉ, đủ số lượng và bảo đảm chất lượng cao.

Nguồn: Sưu tầm & tổng hợp

 

Tin liên quan

Đồng Nai mong ngóng cầu Cát Lái
( 17:24:00 PM - 10/03/2024 )
Cầu Cát Lái hình thành và đưa vào khai thác sẽ giúp việc đi lại của thông suốt, an toàn, nhanh chóng, tăng cường thông thương Từ nhiều năm nay, ...
Xem thêm »

Copyright © 2018 - All Rights Reserved. Design by Thiết kế web https://zland.vn

Hotline/zalo
Quý vị để lại thông tin chúng tôi sẽ liện hệ lại ngay
Số điện thoại
Họ Tên *
Ghi chú
+