QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG TỈNH ĐỒNG NAI TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Ban-do-QH-vung-dong-nai

QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

HỒ SƠ TRÌNH DUYỆT

THUYẾT MINH TỔNG HỢP

PHẦN I: PHẦN MỞ ĐẦU. 

I.1. Sự cần thiết lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai:

I.1.1. Tổng quan về tỉnh Đồng Nai.

Đồng Nai là tỉnh vừa nằm ở khu vực Đông Nam bộ, vừa thuộc vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) và vùng thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM); Diện tích tự nhiên 5.907,236 km2 chiếm khoảng 1,8% diện tích của cả nước và 19,43% diện tích của vùng TP. Hồ Chí Minh (vùng KTTĐPN). Bao gồm 11 đơn vị hành chính trực thuộc gồm: Thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh và các huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất, Trảng Bom, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Thành, Nhơn Trạch; Trong đó thành phố Biên Hòa là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa xã hội của tỉnh. Dân số toàn tỉnh năm 2011 là 2.665.079 người với 40 dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn.

Đồng Nai tiếp giáp với 5 tỉnh, thành phố : Phía Tây giáp với thành phố Hồ Chí Minh. Phía Nam giáp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận và phía Đông Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng. Phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước và Tây Bắc giáp tỉnh Bình Dương.

Tỉnh Đồng Nai nằm trên các trục đường giao thông quan trọng như: tuyến đường sắt Bắc-Nam. Đường bộ QL1 – 1k, QL20 nối với Tây Nguyên, QL51 và QL56 nối với Bà Rịa – Vũng Tàu; Đường thủy sông Đồng Nai, gần cảng biển quốc tế, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đồng Nai có lợi thế phát triển giao lưu thương với cả nước và quốc tế.

I.1.2. Lý do lập quy hoạch xây dựng vùng.

       1. Trong thời gian qua các chiến lược phát triển của quốc gia, các ngành tác động lên vai trò vị thế mới và định hướng không gian vùng tỉnh Đồng Nai do vậy cần phải quy hoạch để kết nối và phù hợp với các chiến lược này đó là :

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020.

Quy hoạch xây dựng vùng TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2025 và vùng Tây Nguyên.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, TP. Biên Hòa – TP. Vũng Tàu, đường vành đai 3, vành đai 4, đường TP. Hồ Chí Minh – Đà Lạt. Dự án phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam – Xuyên Á – Vũng Tàu, sân bay quốc tế Long Thành, Cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Vũng Tàu.

     2. Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai nhằm phát huy vai trò, vị thế mới của tỉnh, khai thác tiềm năng lợi thế trong vùng TP. Hồ Chí Minh :

Vị trí địa lý kinh tế chính trị.

Đầu mối hạ tầng kỹ thuật kết nối với quốc tế và các vùng quốc gia.

Tiềm năng tự nhiên và nhân văn, tiềm năng nguồn nhân lực.

       Khắc phục các tồn tại bất cập hiện nay :

Thiếu tính kết nối và liên kết vùng. Chưa khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế.

Hạ tầng xã hội, kỹ thuật phát triển chưa đồng bộ, không đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Cạnh tranh kêu gọi đầu tư.

Nguồn nhân lực chất lượng cao.

3. Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đáp ứng yêu cầu tích hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế - Xã hội, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác. Đáp ứng yêu cầu liên kết vùng.

Đáp ứng yêu cầu tích hợp đa ngành.

Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, an sinh xã hội.

Phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

4.  Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đáp ứng yêu cầu liên kết không gian toàn vùng và kiểm soát phát triển, công cụ để chỉ đạo phát triển các ngành và thu hút đầu tư.

5. Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai nhằm đáp ứng yêu cầu biến đổi khí hậu.

I.2. Các căn cứ lập quy hoạch:

I.2.1. Căn cứ pháp lý.

Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc Hội khóa XI.

Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17/06/2009 của Quốc Hội khóa XII.

Nghị định số 08/2005/NĐ – CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ ban hành về quy hoạch xây dựng.

Thông tư số 07/2008/TT-BXD ngày 07/04/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng.

Quyết định số 03/2008/QĐ-BXD ngày 31/03/2008 Ban hành quy định nội dung thể hiện bản vẽ, thuyết minh đối với Nhiệm vụ và đồ án Quy hoạch Xây dựng.

Nghị quyết 53-NQ/TW ngày 29 tháng 8 năm 2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Quyết định 158/2008/QĐ-TTg ngày 02/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu.

Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/09/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/04/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.

Quyết định số 589/QĐ-TTg ngày 20/05/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.

Nghị quyết số 05/NQ-CP ngày 5 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Long Thành để mở rộng địa giới hành chính TP. Biên Hòa thuộc tỉnh Đồng Nai.

Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21/08/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

Quyết định số 3582/QĐ-TTg ngày 03/06/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24/12/2009 về việc phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Quyết định số 06/2011/QĐ-TTg ngày 24/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 07/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020.

Quyết định số 146/2004/QĐ-TTg ngày 13/08/2004 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020.

Quyết định số 943/QĐ-TTg ngày 20/07/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020.

Quyết định số 67/QĐ.CT.UBT ngày 07/1/2003 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị và dân cư nông thôn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020.

Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 30/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 – 2015).

Quyết định số 2766/QĐ-UBND ngày 21/10/2010 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Công văn số 521/SXD-QLQH ngày 06/04/2012 của Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai về việc đề nghị chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung đồ án quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh Đồng Nai và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Biên Hòa.

Thông báo số 4137/TB-UBND ngày 11/06/2012 của UBND tỉnh Đồng Nai về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái tại buổi làm việc về Quy hoạch vùng tỉnh Đồng Nai và Quy hoạch chung thành phố Biên Hòa.

Biên bản số 44/BB-SXD ngày 29/06/2012 của Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai về việc thông qua hồ sơ quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Công văn số 1923/SXD-QLQH ngày 12/10/2012 của Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai về việc tổng hợp ý kiến góp ý của các Sở, ngành liên quan và địa phương vào hồ sơ Quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Công văn số 3474/UBND-CNN ngày 08/05/2013 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc hoàn chỉnh hồ sơ Quy hoạch Vùng tỉnh Đồng Nai và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Biên Hòa theo ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Báo cáo số 153/BC-SXD ngày 31/07/2013 của Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai về việc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam góp ý thẩm định hồ sơ Quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung xây dựng thành phố Biên Hòa giai đoạn 2010 – 2030, tầm nhìn đến 2050. 

Công văn số 166/SXD-QLQH ngày 16/08/2013 của Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai về việc hoàn chỉnh hồ sơ chuẩn bị báo cáo HĐND tỉnh về Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai.

Thông báo số 77/BB-HĐTĐ ngày 20/08/2013 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc thông qua Hội đồng thẩm định Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Công văn số 2338-CV/VPTU ngày 20/08/2013 của Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Nai về việc trích Biên bản số 83-BB/TU ngày 15/08/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết luận chỉ đạo đồ án Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Công văn số 6165/BKHĐT-QLQH ngày 22/08/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc góp ý hồ sơ Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai đối với Tờ trình và dự thảo nghị quyết về quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai thời kỳ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Nghị quyết số 89/NQ-HĐND ngày 18/09/2013 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai về quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai thời kỳ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.

Các Công văn góp ý của các Sở, ngành và địa phương về đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy chuẩn xây dựng Việt Nam của Bộ Xây dựng năm 2008.

Niên giám Thống kê năm 2006, 2007, 2008, 2009, 2010, 2011 của tỉnh Đồng Nai.

Bản đồ địa hình tỷ lệ 1/ 500.000, 1/250.000, 1/100.000, 1/50.000 và 1/25.000.

I.2.2. Cơ sở nghiên cứu.

Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Các quy hoạch chuyên ngành của tỉnh Đồng Nai: Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch; Thương mại – dịch vụ; Giao thông, Công nghiệp, Nông nghiệp, Cấp điện, cấp thoát nước, Thủy lợi; Vệ sinh môi trường; Các tài liệu, số liệu về điều tra cơ bản, các sơ đồ và đồ án quy hoạch có liên quan.

Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2050 của tỉnh Đồng Nai.

Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho tỉnh Đồng Nai đến năm 2100.

Bản đồ không ảnh vùng nghiên cứu quy hoạch và vùng liên quan trực tiếp.

I.3. Mục tiêu và nhiệm vụ đồ án :

I.3.1. Quan điểm lập đồ án :

Tiếp cận chiến lược phát triển mới. Phương pháp luận mới. Sử dụng các công cụ phân tích.

Xây dựng tầm nhìn và các mục tiêu chiến lược, gắn với đa ngành, phát triển toàn diện và cân bằng.

I.3.2. Mục tiêu:

Cụ thể hóa quy hoạch xây dựng vùng TP. Hồ Chí Minh và quy hoạch kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Định hướng phát triển không gian toàn vùng đến năm 2050 bao gồm : không gian xây dựng đô thị, dân cư nông thôn theo hướng gắn kết hài hòa với không gian công nghiệp tập trung, không gian du lịch, không gian sản xuất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Làm cơ sở để chỉ đạo các ngành, các cấp chính quyền trong việc lập các đồ án quy hoạch xây dựng chuyên ngành, lập các chương trình đầu tư và hoạch định các chính sách phát triển.

Làm công cụ quản lý phát triển kiểm soát không gian toàn vùng. Tạo cơ hội đầu tư ổn định và bền vững.

I.3.3. Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh:

Đánh giá các đặc điểm tự nhiên, các tiềm năng lợi thế. Đánh giá các khó khăn tồn tại, bất cập, xác định các vấn đề và các giải pháp về phát triển không gian vùng trong mối quan hệ liên vùng TP. Hồ Chí Minh, vùng Duyên hải Nam Trung bộ và vùng Tây Nguyên.

Xác định bối cảnh phát triển tương lai của quốc tế, quốc gia và các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia. Xác định vai trò và vị thế của vùng tỉnh Đồng Nai trong vùng TP. Hồ Chí Minh. Đánh giá tiềm năng và động lực phát triển vùng.

Đề xuất tính chất của vùng, các dự báo phát triển, các chỉ tiêu quy hoạch

Đề xuất mô hình phát triển vùng trên cơ sở đề xuất cấu trúc không gian toàn vùng xác định tầm nhìn, các mục tiêu chiến lược hướng tới tầm nhìn.

Đề xuất phân bố các vùng chức năng: phân vùng kinh tế, phân bố vùng phát triển đô thị, vùng công nghiệp tập trung, vùng nông nghiệp, vùng du lịch và vùng cảnh quan không gian mở.

Đề xuất định hướng tổ chức không gian toàn vùng.

Đề xuất định hướng hạ tầng xã hội. Đề xuất định hướng hạ tầng kỹ thuật. Đánh giá tác động môi trường chiến lược.

Đề xuất các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư.

I.4. Phạm vi nghiên cứu :

I.4.1.   Phạm vi nghiên cứu mở rộng :

Phạm vi nghiên cứu mở rộng bao gồm vùng TP. Hồ Chí Minh, Vùng duyên hải Nam Trung bộ  và vùng Tây Nguyên, vùng quốc gia, vùng ASEAN.

I.4.2.   Phạm vi nghiên cứu trực tiếp :

Phạm vi lập quy hoạch trong phạm vi ranh giới toàn tỉnh Đồng Nai (bao gồm thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh và các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú). Tổng diện tích tự nhiên 5.907,236 km2, Quy mô dân số năm 2011 là 2.665.079 người, mật độ dân số là 451 người/km2.

I.4.3.  Giai đoạn quy hoạch xây dựng vùng:

Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai theo giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.

PHẦN II: ĐÁNH GIÁ ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, HIỆN TRẠNG VÀ CÁC NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN VÙNG.

II.1. Phân tích đánh giá các đặc điểm tự nhiên :

II.1.1. Vị trí địa lý:

       Tỉnh Đồng Nai thuộc vùng TP. Hồ Chí Minh, cửa ngõ ba vùng kinh tế quốc gia. Cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 30 km, cách TP. Vũng Tàu 90 km, cách TP. Đà Lạt 270 km. Và nằm trên các trục hành lang kinh tế đô thị quốc tế, quốc gia: đường sắt Bắc - Nam, quốc lộ 1, quốc lộ 20, quốc lộ 51, quốc lộ 56, quốc lộ 1K, sông Đồng Nai, sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu, sông Thị Vải.

Tỉnh Đồng Nai (bao gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện) : có tọa độ địa lý : 10o31'17'' đến 11o34'49'' vĩ độ Bắc và 106o41'45'' đến 107o34'50'' kinh  độ Đông.

Phía Đông và Đông Bắc: giáp tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng;

Phía Tây và Tây Nam: giáp tỉnh Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh;

II.1.2. Khí hậu:

Tỉnh Đồng Nai nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, có 2 mùa rõ rệt với nền nhiệt độ cao đều quanh năm, thuận lợi cho sản xuất nông lâm nghiệp.

a. Nhiệt độ:

Nhiệt độ trung bình trong năm 25,9 oC, trung bình năm cao nhất 27,3oC, trung bình năm thấp nhất 24,3oC.

b. Mưa:

Mùa mưa tập trung vào tháng 5 đến tháng 10. Lượng mưa bình quân từ 114 – 149 mm, tổng lượng mưa là 1.800 – 2.508 mm/năm. Lượng mưa lớn, phân bố theo vùng và theo mùa đã chi phối mạnh mẽ đến sản xuất nông nghiệp trong toàn tỉnh, gây nên tình trạng ngập úng cục bộ ở một số vùng có địa hình thấp và vùng ven sông như một số xã huyện Tân Phú (Đắc Lua, Tà Lài, Núi Tượng, Nam Cát Tiên, Phú Thanh, Phú Điền, Phú Bình, …).

c. Nắng :

Số giờ nắng trong năm bình quân là 2.179 giờ. Số giờ nắng trong ngày bình quân là 6,5 – 7 giờ, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

d. Độ ẩm: Độ ẩm không khí trung bình là 81 – 855, tháng 8, 9 và nửa đầu tháng 10 là thời kỳ có độ ẩm cao nhất.

e. Chế độ gió: Hàng năm có 2 loại gió chính có ảnh hưởng đến khí hậu tỉnh là:

- Gió mùa Đông Bắc: từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.

- Gió mùa Tây Nam: Từ tháng 5 đến tháng 10.

f. Bão - áp thấp nhiệt đới:

Thời gian gần đây, lượng mưa trung bình của tỉnh đã tăng khá nhanh. Số lượng bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy đổ bộ và có ảnh hưởng đến Đồng Nai có xu hướng gia tăng gây lũ lụt, sạt lở đất ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.

II.1.3. Đặc điểm địa hình, địa chất thủy văn.

a. Đặc điểm địa hình :

Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Cao nguyên và Duyên hải nên tỉnh có địa hình vùng đồng bằng và bình nguyên, có xu hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam. Địa hình của tỉnh được phân thành 3 dạng chính sau:

Dạng địa hình núi thấp: gồm các núi rải rác có độ cao thay đổi từ 200 - 700m, độ dốc khoảng 20 – 30o, chiếm khoảng 8% diện tích tự nhiên; tập trung chủ yếu ở các huyện phía Bắc của tỉnh như Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc.

Dạng địa hình lượn sóng: chiếm phần lớn diện tích tự nhiên của tỉnh (80%), bao gồm những đồi đất bazalt và đồi phù sa cổ, địa hình đồi rất bằng phẳng, độ dốc chỉ dao động từ 3-8o, độ cao thay đổi từ 20 - 150m; phân bố tập trung ở TX. Long Khánh, huyện Xuân Lộc, Thống Nhất và rải rác ở một số huyện khác trong tỉnh.

Dạng địa hình đồng bằng: chiếm khoảng 12% diện tích tự nhiên, có độ cao dưới 20m, độ dốc <3o, phân bố ở hầu hết các huyện, trong đó tập trung nhiều ở huyện Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Long Thành và thành phố Biên Hòa.

     Nhìn chung địa hình của tỉnh tương đối bằng phẳng, phần diện tích có độ dốc lớn trên 15o chỉ chiếm 8%, còn lại có độ dốc dưới 15o và phân bố tập trung, hình thành các tiểu vùng địa hình, thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa cây trồng, hình thành các vùng cây chuyên canh, phù hợp với điều kiện địa hình, đất đai của tỉnh.

b. Địa chất thủy văn.

      Hệ thống sông ngòi của tỉnh có thể chia thành 2 thủy vực lớn là hệ thống sông Đồng Nai và hệ thống các sông ngắn đổ trực tiếp ra biển Đông.

- Hệ thống sông suối trên địa bàn tỉnh nhỏ hẹp, tốc độ dòng chảy lớn dẫn đến khả năng bồi lắng phù sa và cung cấp nước cho sản xuất nông - lâm nghiệp kém. Mặt khác, do ảnh hưởng mưa theo mùa nên thường gặp lũ trong mùa mưa (vào các tháng 7,8,9,10) và thiếu nước trong mùa khô.

Chế độ thủy văn của tỉnh phân hóa theo mùa và theo chế độ thủy triều:

+ Mùa khô lưu lượng nước các sông thấp, chiếm khoảng 20% tổng lượng nước trong năm (hồ Trị An 19%; sông Tà Lài 19%; sông Buông 20%; sông Ray 21%) nên khả năng cung cấp nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt của người dân bị hạn chế. Mùa mưa, mực nước các sông dâng cao chiếm khoảng 80% lượng dòng chảy cả năm (hồ Trị An 81%; sông Buông 80%), các đợt mưa lớn kéo dài gây tình trạng ngập úng ở một số xã thuộc huyện Tân Phú, Long Thành, Xuân Lộc và một số khu vực ven sông.

   + Chế độ thủy triều của vùng cửa sông Đồng Nai là chế độ bán nhật triều, trước khi có đập thủy điện Trị An, mực nước thủy triều ảnh hưởng tới hạ lưu cầu Đồng Nai, có năm lên tới Biên Hòa. Tuy nhiên sau khi có đập Trị An thì mức độ ảnh hưởng của thủy triều đã giảm xuống, lượng nước trong mùa khô tăng và trong mùa mưa giảm, nhờ lượng nước tăng trong mùa khô đã làm giảm đáng kể sự xâm nhập mặn, thuận lợi cho việc tăng diện tích sản xuất lúa vùng hạ lưu sông Đồng Nai.

c. Kịch bản biến đổi khí hậu :

Theo dự án “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho tỉnh Đồng Nai đến năm 2100”, có 3 kịch bản về nhiệt độ trung bình khu vực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020 – 2100 bao gồm : kịch bản phát thải thấp (B1), phát thải trung bình (B2) và phát thải cao (A1F1), trong đó nhiệt độ của tỉnh tăng đều qua các năm.

Kịch bản về lượng mưa: lượng mưa trung bình tăng dần qua các giai đoạn và theo kịch bản phát thải. Lượng mưa trung bình năm ở khu vực tỉnh Đồng Nai trong các kịch bản có xu thế thấp ở vùng nằm sau trong nội địa. Từ năm 2020 đến 2100, lượng mưa tăng dần về phía đất liền.

Ngập lụt : các khu vực bị ngập chính là huyện Nhơn Trạch, một phần huyện Long Thành và TP. Biên Hòa, ngoài ra còn có một phần nhỏ ở huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom. Tỷ lệ diện tích ngập ở toàn bộ các kịch bản theo các năm dao động trong khoảng 1,56 – 1,68% tương ứng với diện tích ngập khoảng 92,21 – 99,09 km2. Nước biển dâng gây ngập lụt nhiều diện tích đất sản xuất, giao thông sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những người dân sinh sống tại các địa phương dễ chịu tác động của BĐKH trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, BĐKH cũng đe dọa đến hệ thống cảng của tỉnh do mưa, lũ bất thường gây sạt lở đất, thiên tai phá hỏng hạ tầng.

 Xâm nhập mặn : biên mặn lấn sâu vào đất liền, các khu vực có khả năng xâm nhập mặn cao ở xã Phước An (Nhơn Trạch), xã Phước Bình (Long Thành). Độ mặn tăng ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và vùng nuôi trồng thủy sản, làm giảm năng suất và hạn chế một số loại thủy sản trong tự nhiên. Trong trường hợp xấu nhất, ranh giới mặn 2‰ tiến sâu khoảng 25 km, ranh giới mặn 4‰ tiến sâu hơn 30 km. Diện tích nước mặt nhiễm mặn 2‰ ở năm 2020 khoảng 68 – 69 km2 tùy theo các kịch bản, đến năm 2100 khoảng 77 – 80 km2.

Biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ tác động mạnh mẽ đến vùng tỉnh Đồng Nai :

Tài nguyên nước : các khu vực sông nhạy cảm với BĐKH như: sông Đồng Nai khu vực hợp lưu sông Bé - sông Đồng Nai, khu vực chảy qua thành phố Biên Hòa và sông Thị Vải. Các khu vực cạn kiệt nước vào mùa khô như suối Rết, suối Lức ở huyện Cẩm Mỹ, suối Gia Huynh ở huyện Xuân Lộc. Tình hình ngập lụt và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến nguồn nước cung cấp cho khu vực huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu và TP. Biên Hòa.

Tài nguyên đất :

Diện tích đất có nguy cơ ảnh hưởng bởi ngập mặn đến năm 2020 là 76,27km2. Trong đó diện tích đất nông nghiệp là 20,76 km2 (chiếm 0,44% diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh), đất phi nông nghiệp là 42,66 km2 (chiếm 3,52% diện tích đất phi nông nghiệp toàn tỉnh). Diện tích đất bị ngập mặn thuộc huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu và TP. Biên Hòa. Trong đó huyện Long Thành có diện tích đất chịu ảnh hưởng lớn nhất (31,5km2) và ít nhất là huyện Trảng Bom (3,87km2).

Các loại đất phù sa, đất Gley, đất cát ở huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu và TP. Biên Hòa sẽ bị ảnh hưởng của mặn hóa. Đất phù sa phèn, gley phèn tại khu vực bằng phẳng, thấp trũng bị tác động do ngập và phèn hóa. 

Tài nguyên khoáng sản : 7 mỏ khoáng sản ở Vĩnh Cửu, Biên Hòa bị ảnh hưởng bởi ngập lụt. Một số vùng triển vọng đá xây dựng tại Biên Hòa, sét gạch ngói tại Biên Hòa, Nhơn Trạch, than bùn, cát xây dựng tại Biên Hòa có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi ngập lụt.

Kinh tế xã hội : 43% người dân sinh sống trong khu vực thường xuyên bị hạn hán chủ yếu tại xã Thiện Tân, Mã Đà (Vĩnh Cửu), Lang Minh, 39% người dân (chủ yếu là nông dân) trong khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng do ngập lụt tập trung tại xã Phước Khánh (Nhơn Trạch) và xã Phước Thái (Long Thành). Cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng ở huyện Long Thành, Nhơn Trạch và một phần huyện Vĩnh Cửu bị ảnh hưởng do tác động của BĐKH, trong đó có các bệnh viện, trạm y tế, làm giảm chất lượng phục vụ sức khỏe cộng đồng.

Xử lý CTR : các bãi rác xã Phước Tân (Biên Hòa), Đồng Mu Rùa (xã Phước An – Nhơn Trạch), 02 bãi rác tạm ở xã Bắc Sơn, Bình Minh (huyện Trảng Bom)  có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi ngập lụt. Tuy trong tương lai các bãi rác tạm này sẽ đóng cửa nhưng vẫn cần tạo tường chắn, xây đê cao,…. Đối với các khu xử lý CTR quy hoạch đến năm 2020, chỉ có khu xử lý CTR xã Vĩnh Tân (Vĩnh Cửu) quy mô 81 ha nằm trong vùng có nguy cơ bị ngập, có độ sâu mực nước rất cao so với các vị trí khác trong tỉnh.

Đa dạng sinh học : BĐKH và nước biển dâng không gây tác động tiêu cực đến sự đa dạng sinh học của Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, vườn quốc gia Cát Tiên, rừng ngập mặn Long Thành – Nhơn Trạch. Tuy nhiên sự phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu về sinh kế của người dân ở khu vực xung quanh vườn quốc gia, khu bảo tồn, rừng đặc dụng có thể sẽ gây ra các biến động về đa dạng sinh học của các khu vực này.

Thiên tai : gia tăng cường độ ngập lụt do nước biển dâng tại Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch ; cường độ ngập lụt, lũ quét do mưa lớn tại Thống Nhất, Trảng Bom, Xuân Lộc.

Cơ cấu cây trồng, vật nuôi và vụ mùa có thể bị thay đổi ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh.

Nhiệt độ cao làm tăng nguy cơ cháy rừng, các loại bệnh nhiệt đới, bệnh truyền nhiễm.

Chi phí gia tăng cho việc làm mát, thông gió, bảo quản và vận hành thiết bị, phương tiện, sức bền vật liệu, v.v….

II.1.4. Các tài nguyên tự nhiên và nhân văn:

a. Tài nguyên nước:

-  Nguồn nước mặt :

Có nguồn nước mặt rất phong phú, được cung cấp bởi hệ thống sông suối chính là sông Đồng Nai; sông La Ngà; sông Buông; sông Ray; sông Xoài và sông Thị Vải…, lưu lượng nước phụ thuộc theo mùa, thường tập trung lớn trong mùa mưa, ở mùa khô lượng nước chỉ còn khoảng 20% tổng lượng nước trong năm. Chính vì vậy, cần phải đầu tư xây dựng các công trình hồ, đập chứa nước để điều phối lượng nước cung cấp trong mùa khô.

Mật độ sông suối của tỉnh khoảng 0,5 km/km2 nhưng phân phối không đều. Phần lớn sông suối tập trung ở phía Bắc và dọc theo sông Đồng Nai về hướng Tây Nam. Tổng lượng nước dồi dào 16,82 tỷ m3/năm, trong đó mùa mưa chiếm 80%, mùa khô chiếm 20%.

+ Sông Đồng Nai: chảy vào tỉnh Đồng Nai ở bậc địa hình thứ 3 và là vùng trung lưu của sông. Đoạn từ ranh giới Đồng Nai - Lâm Đồng đến cửa sông Bé Tân Uyên sông chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Địa hình lưu vực đoạn trung lưu từ 100-300 m, đoạn từ Tà Lài đến Trị An có nhiều thác ghềnh. Đoạn sau Trị An sông chảy êm đềm, lòng sông mở rộng và sâu. Các phụ lưu lớn của sông Đồng Nai có sông La Ngà, Sông Bé.

+ Sông La Ngà: đoạn chảy trong tỉnh khá hẹp, khúc khuỷu, nhiều ghềnh thác, có nhiều nhánh đổ vào, điển hình là suối Gia Huynh và suối Tam Bung. Suối Gia Huynh có lưu vực 135 km2, bắt nguồn từ vùng Quốc lộ 1, ranh giới Đồng Nai - Bình Thuận. 

Suối Tam Bung có diện tích lưu vực 155 km2, bắt nguồn từ phía Bắc cao nguyên Xuân Lộc. Sông La Ngà đổ vào hồ Trị An khoảng 4,5 tỷ m3/năm, chiếm 1/3 tổng lượng nước hồ.

+ Sông Buông: bắt nguồn từ phía Tây cao nguyên Xuân Lộc, chảy theo hướng từ Đông sang Tây, dài khoảng 40 km, có lượng nước dồi dào so với các sông nhỏ trong tỉnh với tổng lượng nước trung bình 0,23 tỷ m3/năm.

+ Sông Ray: lưu vực sông chiếm gần 1/3 diện tích phía Nam của tỉnh. Sông bắt nguồn từ phía Nam, Đông Nam cao nguyên Xuân Lộc, đổ thẳng ra biển, chảy theo hướng Bắc Nam, độ dốc lưu vực khá lớn, nếu không có đập chặn giữ thì mùa khô thường cạn kiệt nước. Tổng lượng nước sông là 0,634 tỷ m3/năm trong đó mùa mưa chiếm 79%. Sông Ray nếu được sử dụng hợp lý có thể giải quyết vấn đề khô cạn cho vùng Đông Nam của tỉnh.

+ Sông Thị Vải: thuộc vùng phía Tây Nam của tỉnh, bắt nguồn từ cao nguyên Xuân Lộc và đổ thẳng ra biển. Sông Thị Vải ở phía thượng lưu gồm các suối nhỏ và dốc, phần hạ lưu (phía dưới Quốc lộ 51 đi Vũng Tàu) là sông nước mặn, lòng sông mở rộng.

Tỉnh Đồng Nai có nhiều công trình hồ và đập chứa nước, trong đó đáng chú ý là Hồ Trị An không chỉ cung cấp nước, năng lượng thủy điện mà còn quyết định đến chế độ thủy văn và cân bằng hệ sinh thái của vùng. Ngoài ra còn có hồ Sông Mây, hồ Đa Tôn, đập Suối Cả, Suối Vọng,… cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.

- Nguồn nước ngầm :

      Nguồn nước ngầm phong phú, phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung ở phía Tây của tỉnh và thị xã Long Khánh, chất lượng nước khá tốt, có thể khai thác sử dụng cho sinh hoạt và sản xuất.

Phức hệ Holocen : chủ yếu ở khu vực Tây, Tây Nam tỉnh, dọc theo thung lũng sông Đồng Nai và sông La Ngà, lưu lượng nhỏ, khả năng chứa nước kém.

Tầng chứa nước Pleistoxen: từ Biên Hòa xuống Long Thành, khả năng khai thác trung bình. Ở phía Nam huyện Nhơn Trạch hầu hết nước bị nhiễm mặn.

Tầng chứa nước Pliocen : phân bố ở Long Thành, Thống Nhất, tổng trữ lượng khá lớn, phân bố chủ yếu Vĩnh Cữu - Long Bình- Long Thành và Nhơn Trạch.

Tầng chứa nước các thành tạo phun trào Bazan : phân bố ở Tân Phú, Định Quán, Long Khánh, Xuân Lộc và phía Đông Bắc huyện Thống Nhất, có khả năng khai thác ở quy mô vừa và nhỏ.

Phức hệ nước trong tầng đá Mezozoi : phân bố chủ yếu ở khu vực phía Bắc, một số ít ở phía Đông và Đông Bắc, khả năng chứa nước rất hạn chế.

b. Tài nguyên khoáng sản:

      Tài nguyên khoáng sản của tỉnh khá đa dạng, phong phú về chủng loại với 5 nhóm chính như than bùn, kim loại, không kim loại, đá quý, nước khoáng. Trong đó nguyên vật liệu xây dựng (đá, cát, sét, Laterit, Puzơlan) và nước khoáng là quan trọng nhất.  Tuy nhiên việc khai thác khoáng sản cần có kế hoạch hợp lý để vừa đảm bảo nhu cầu hiện nay, vừa có thể khai thác lâu dài đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái.

Vàng: chủ yếu ở phía Bắc tỉnh, có 17 mỏ, điểm quặng. Trong đó 2 mỏ ở Hiếu Liêm, Vĩnh An có triển vọng, còn lại là các điểm quặng khác như Suối Ty, Suối Nho, Tam Bung, Suối Sa Mách, lâm trường Vĩnh An, La Ngà, Hiếu Liêm.

Nhôm (Quặng bauxit): 2 mỏ ở DaTapok (lâm trường Mã Đà) và lâm trường La Ngà, diện tích 1.120ha, nhưng đã thuộc vào vùng cấm (rừng Nam Cát Tiên) trên 2/3 diện tích. Trữ lượng ước đạt khoảng 450 triệu m3.

Thiếc: hàm lượng thấp, tập trung ở núi Chứa Chan, Suối Rét, Suối Sao, sông Gia Ray. Chì kẽm đa kim ở núi Chứa Chan.

Kao lin: 10 mỏ nhỏ, chủ yếu ở Phước Thiền, Hang Nai, Phước Thọ, Tam Hòa, Tân Phong, Bình Ý, Thạnh Phú.

Sét màu: 9 điểm quặng ở Long Bình Tân, Xuân Khánh và Xuân Lộc.

Đá vôi: 2 điểm ở Tân Phú, Suối Cát. Thạch anh mạch phân bố rải rác, phát hiện 1 điểm ở Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc).

Đá xây dựng: 24 mỏ đang khai thác, tập trung ở Biên Hòa, Thống Nhất, Trảng Bom, Long Thành, Vĩnh Cửu, Định Quán, Nhơn Trạch, Xuân Lộc.

Cát xây dựng chủ yếu trên sông Đồng Nai với trữ lượng khá lớn, ngoài ra còn có ở các sông suối nhỏ ở khu vực Định Quán, Tân Phú, lòng hồ Trị An. Cát san lấp ở Phước An (đồng Mu Rùa, gò Sim…), sông Nhà Bè, Đồng Tranh.

Sét gạch ngói: chủ yếu ở Thiện Tân, Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu), Long An, Long Phước (huyện Long Thành), có thể khai thác hàng triệu m3/năm.

Keramzit phân bố ở Đại An, Trị An với trữ lượng khoảng 8 triệu tấn; Puzolan ở Định Quán, Long Thành, Cây Gáo, Gia Kiệm, Vĩnh Tân; Laterit ở Vĩnh Cửu, Biên Hoà, Long Thành và Nhơn Trạch.

Đá quý và báu quý : quy mô nhỏ, bao gồm Ziricon (Gia Kiệm, Núi Lá, Tân Phong), Saphia (cầu La Ngà, phía Nam Tân Phong, Gia Kiệm), Pyrop-ziricon, Opan-canxedoan (núi Chứa Chan), Tecfic (Bắc Tà Lài).

Nước khoáng : phân bố ở  Phú Lộc, Kay, Suối Nho, Tam Phước, Nhơn Trạch, phía Nam Thành Tuy Hạ, Nam Tuy Hạ.

c. Tài nguyên đất:

Tổng diện tích đất tự nhiên là 590.722,62 ha, có 10 nhóm đất chính, trong đó đất xám 234.867 ha (chiếm tỷ lệ lớn nhất là 39,76%), đất đen 131.604 ha (chiếm 22,28%), đất đỏ 95.389 ha (chiếm 16,15%), đất phù sa 27.929 ha (chiếm 4,73%), đất gley 26.758 ha (chiếm 4,53%), …  

Đất xám phân bố ở Vĩnh Cửu, rải rác ở Xuân Lộc, Thống Nhất, Tân Phú, Định Quán và Biên Hòa, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng. Đất đen tập trung ở Xuân Lộc, Thống Nhất, Tân Phú, Định Quán thích hợp trồng các loại cây hằng năm. Đất đỏ chủ yếu ở Long Khánh, Xuân Lộc, Định Quán, Thống Nhất, Tân Phú, thích hợp trồng các cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Đất phù sa ven sông Đồng Nai, đất Gley chủ yếu trồng lúa, rau, màu và các loại cây trồng khác. Đất nâu (chiếm 1,93%), đất tầng mỏng (chiếm 0,54%), đất đá bọt (chiếm 0,41%), đất cát, đất có tầng loang lổ chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.

Diện tích đất có chất lượng chiếm khoảng 44% diện tích tự nhiên. Nhìn chung, các nhóm đất có chất lượng tốt, phù hợp cho sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh trồng cây cao su, cà phê, cây ăn trái, cây công nghiệp ngắn ngày (thuốc lá, bông vải, …).

d. Tài nguyên rừng :

      Rừng Đồng Nai có đặc trưng cơ bản của rừng nhiệt đới, tài nguyên động thực vật phong phú và đa dạng, tiêu biểu là hệ sinh thái rừng tại Vườn Quốc Gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai. Diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh năm 2010 là 181.589 ha trong đó đất rừng là 167.881 ha, độ che phủ rừng là 27,4% diện tích tự nhiên, tập trung chủ yến ở các huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Nhơn Trạch, Long Thành. Trong đó, rừng trồng là 56.247 ha, rừng tự nhiên là 111.634 ha, rừng tự nhiên tập trung phần lớn tại các địa phương như Định Quán, Vĩnh Cửu, Tân Phú và hiện tại do các đơn vị: Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, Vườn Quốc Gia Cát Tiên, Tổng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú quản lý.

      Thảm thực vật tự nhiên rất phong phú. Động vật rừng đa dạng, mang tính chất đại diện cho hệ động vật vùng Đông Nam Á, tiêu biểu là tính hỗn hợp của khu vực Ấn Độ - Mã Lai, có những đặc trưng của một khu hệ động vật nhiệt đới với nhiều loại chim, thú quý hiếm thuộc nhiều loại, họ, bộ khác nhau. Chính vì vậy, khu vực rừng Cát Tiên đã được công nhận là một trong những khu bảo tồn Quốc gia về hệ sinh thái tự nhiên, khu bảo tồn các loại động thực vật quý hiếm trong cả nước.

      Tháng 11/2011, Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) Đồng Nai được UNESCO công nhận là khu DTSQ thế giới trên cơ sở mở rộng khu DTSQ Cát Tiên. Khu DTSQ Đồng Nai nằm trên địa bàn 5 tỉnh : Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Nông, trong đó chủ yếu ở Đồng Nai, bao gồm : Khu bảo tồn thiên nhiên và văn hóa Đồng Nai, Khu bảo tồn vùng nước ngập nội địa Trị An - Đồng Nai, Khu Ramsar Bàu Sấu và Vườn quốc gia Cát Tiên.

e. Tài nguyên nhân văn :

 Đồng Nai là một vùng đất có bề dày lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, có nhiều di chỉ của nền văn hóa cổ của người Việt trong quá trình khai phá đất Nam Bộ.

 Tài nguyên nhân văn đa dạng với nhiều di tích văn hóa lịch sử, công trình tôn giáo nổi tiếng như khu Văn miếu Trấn Biên, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, lăng mộ Trịnh Hoài Đức, căn cứ Trung ương Cục Miền Nam, căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa, Thiền viện Linh Chiếu, Liễu Đức, Trúc Lâm, chùa Ông, khu di tích lịch sử Địa đạo Nhơn Trạch, khu di tích lịch sử Chiến khu D, …là những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước.

 Tài nguyên văn hóa phi vật thể khá phong phú như lễ hội Kỳ Yên, lễ Địa nàng – Bóng rỗi tại các miếu thờ Bà, lễ cúng thần Lúa của người Chơ ro, lễ hội đâm trâu của người Mạ, … Nghệ thuật văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của các dân tộc, các vùng miền như dân ca miền Bắc, miền Trung, quan họ, ca Huế, ví dặm, múa dân gian của người Chơ ro, hát kể “Tăm pớt”, văn hóa cồng chiêng của người Mạ; các nhạc cụ như đàn đá Bình Đa, sáo trúc, chiềng đồng, khèn môi, … Các đặc sản, văn hóa ẩm thực như xôi chiên phồng, bánh cúng – bánh cấp, bánh canh đầu cá lóc, gỏi cá, gỏi bưởi, nem bưởi, lẩu tôm, bưởi Tân Triều, …mang đậm nét đặc trưng riêng của vùng đất Đồng Nai.

f. Tài nguyên du lịch sinh thái:                                               

       Đồng Nai là vùng có cảnh quan sinh thái phong phú đa dạng với các hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái rừng, hồ, các dòng sông và vùng cửa sông, là cơ sở quan trọng để phát triển cảnh quan đô thị và ngành du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái. Đồng Nai cũng là nơi tập trung đông dân cư, tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn của cả nước nên có điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch. 

Các điểm du lịch sinh thái của Đồng Nai khá đa dạng, phong phú như : Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, khu du lịch Cù Lao Phố, thác Giang Điền, Bò Cạp Vàng, Bửu Long, hồ Trị An, Núi Le, rừng Mã Đà, cù lao Ba Xê, núi Chứa Chan, làng bưởi Tân Triều, Thác Mai – hồ nước nóng, Đảo Ó, … Du khách sẽ có dịp tham gia những chuyến du lịch sinh thái trong các khu rừng hoặc vườn cây ăn quả, câu cá, du thuyền trên sông Đồng Nai, cắm trại dã ngoại, …. Tuy nhiên, phần lớn điểm đến chưa được đầu tư quy mô về cơ sở hạ tầng và dịch vụ.

II.1.5. Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên.

a. Điểm mạnh:

Đồng Nai có vị trí rất thuận lợi, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia và quốc tế. Cửa ngõ giao thương giữa các vùng kinh tế, tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn của cả nước.

Nằm trên các trục hành lang kinh tế đô thị của quốc gia, quốc tế. Đầu mối giao thương quốc tế của vùng và quốc gia.

Địa hình, đất đai phong phú đa dạng. Thuận lợi cho sản xuất và đầu tư xây dựng.

Tài nguyên nước mặt, nước ngầm phong phú. Là nguồn nước cung cấp cho các tỉnh trong vùng Thành phố Hồ Chí Minh.

Tài nguyên rừng ở Đồng Nai khá phong phú và đa dạng, có đủ các hệ sinh thái rừng đặc trưng của vùng nhiệt đới, hệ sinh thái rừng có tính đa dạng sinh học cao, có nhiều loại động thực vật quý hiếm.

Tài nguyên khoáng sản phong phú, nhất là các loại khoáng sản phục vụ xây dựng, đáp ứng nhu cầu trước mắt của ngành công nghiệp địa phương.

b. Điểm yếu:

Vùng dễ bị tổn thương về cảnh quan rừng, bảo vệ nguồn nước

Nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú nhưng có trữ lượng thấp, không có giá trị xuất khẩu.

Bị tác động biến đổi khí hậu dọc sông Đồng Nai và khu vực xung quanh các hồ.

>>> Link bài viết gốc xem ( tại đây )

 

 

 

Tin liên quan

Đồng Nai mong ngóng cầu Cát Lái
( 17:24:00 PM - 10/03/2024 )
Cầu Cát Lái hình thành và đưa vào khai thác sẽ giúp việc đi lại của thông suốt, an toàn, nhanh chóng, tăng cường thông thương Từ nhiều năm nay, ...
Xem thêm »

Copyright © 2018 - All Rights Reserved. Design by Thiết kế web https://zland.vn

Hotline/zalo
Quý vị để lại thông tin chúng tôi sẽ liện hệ lại ngay
Số điện thoại
Họ Tên *
Ghi chú
+