Gấp rút cầu Cát Lái, mở ra liên kết vùng

(ĐTTCO) - Cuối tuần qua, Sở Giao thông-Vận tải (GTVT) TPHCM và Đồng Nai cùng với các sở ngành 2 địa phương và Tổng công ty Tư vấn Thiết kế GTVT (TEDI) - đơn vị tư vấn, đã có cuộc họp nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu Cát Lái nối quận 2 (TPHCM) và huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai).
Nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng cầu Cát Lái hết sức cấp bách, sẽ kết nối các dự án giao thông trọng điểm, mở ra liên kết vùng rộng lớn không chỉ cho TPHCM và Đồng Nai.
Thi công trong 48 tháng
Theo thống kê, thời gian qua lưu lượng người dân qua lại phà Cát Lái liên tục tăng, cao điểm lên tới 100.000 lượt/ngày, còn trung bình khoảng 50.000 lượt, đã khiến phà Cát Lái trở nên quá tải. Trước đây, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn sau 2020 được Thủ tướng phê duyệt năm 2013, kết nối giao thông giữa TPHCM và Đồng Nai hướng vào trung tâm đô thị mới Nhơn Trạch giữ nguyên phà như hiện hữu. Tháng 8-2019, Thủ tướng giao UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện dự án cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái, trên cơ sở đề xuất của tỉnh này. 
Theo thiết kế, cầu Cát Lái có chiều dài 3.782m, phần cầu chính dài 650m, kết cấu bằng dây văng 2 trục tháp. Dự án có tổng mức đầu tư gần 8.700 tỷ đồng, triển khai theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Theo các chuyên gia giao thông, khi có cầu Cát Lái, hệ thống giao thông TPHCM - Nhơn Trạch sẽ được thông suốt, nối liền mạng lưới giao thông TPHCM - Bà Rịa-Vũng Tàu - Đồng Nai. Bên cạnh đó, khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác, cầu Cát Lái kết hợp Tỉnh lộ 25C, sẽ hình thành tuyến kết nối TPHCM - sân bay Long Thành, chia sẻ lưu lượng với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây vốn đang quá tải.
Gấp rút cầu Cát Lái, mở ra liên kết vùng ảnh 1Phà Cát Lái kết nối TPHCM và Đồng Nai hiện đã quá tải.
Đặc biệt đến năm 2030, theo kế hoạch sân bay Long Thành sẽ được đưa vào khai thác giai đoạn 2 với tổng công suất 50 triệu hành khách/năm, đồng thời tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây  hoàn thành đưa vào khai thác giai đoạn 2  mở rộng thêm 4 làn xe. Tuyến cao tốc này chủ yếu phục vụ sân bay Long Thành, do đó lưu lượng xe từ TPHCM sang khu vực phía Tây Nam tỉnh Đồng Nai vẫn chủ yếu đi qua cầu Cát Lái, cầu Nhơn Trạch, càng khẳng định sự cần thiết phải xây dựng cầu Cát Lái. Tiến độ thi công công trình từ quý III-2021 đến quý III-2025, thời gian thi công 48 tháng. Và để công trình được khả thi, tỉnh Đồng Nai kiến nghị tách dự án xây dựng cầu Cát Lái ra làm 3 dự án thành phần.

Phương án tuyến nào?
Đơn vị tư vấn đưa ra 3 phương án tuyến. Phương án tuyến 1 dài 11,7km, với khối lượng giải phóng mặt bằng (GPMB) khoảng 37,37ha. Điểm đầu nối với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, cách cầu Phước Khánh khoảng 2,5km. Tuyến bám theo đường quy hoạch lên phía Bắc tới bến phà Cát Lái hiện tại, vượt sông Đồng Nai tại phà Cát Lái đi vào đường Nguyễn Thị Định (quận 2, TPHCM) và kết nối với đường Vành đai 2 tại nút giao Mỹ Thủy. 
Phương án tuyến 2 dài 10,5km, với khối lượng GPMB 14,36ha. Điểm đầu tuyến trùng với điểm đầu tuyến của phương án 1, sau đó đi lên phía xã Phú Hữu, vượt sông Đồng Nai và kết nối với đường Vành đai 2 tại vị trí giữa điểm đầu cầu Phú Mỹ và trạm thu phí cầu Phú Mỹ. 
Phương án tuyến 3 dài 12,4km, khối lượng GPMB 20,45ha. Điểm đầu nối với tuyến Bến Lức - Long Thành tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, cách cầu Phước Khánh khoảng 2,5km. Tuyến đi bám theo đường quy hoạch lên phía Bắc tới xã Đại Phước gần khu vực ngã 3 sông Đồng Nai và sông Cái. Tuyến vượt sông và kết nối với đường số 58 (cạnh cổng C cảng Cát Lái), nối vào đường Vành đai 2 tại vị trí cách cầu Ba Cua khoảng 300m về phía cầu Phú Mỹ.
Theo đơn vị tư vấn, mỗi phương án đều có những ưu điểm, hạn chế. Cụ thể, phương án 1 tổ chức kết nối giao thông thuận lợi, tuyến kết nối trực tiếp vào đường Nguyễn Thị Định và nút giao thông Mỹ Thủy, sau đó nối vào Vành đai 2 và đường Đồng Văn Cống để đi vào các trục chính khác như Đại lộ Đông Tây, cao tốc TPHCM - Dầu Giây - Long Thành… Tuy nhiên việc đưa giao thông kết nối vùng kết hợp giao thông nội bộ cảng Cát Lái (chủ yếu trọng tải nặng) làm tăng đột biến lưu lượng trên đường Nguyễn Thị Định, gây ùn tắc và mất an toàn. 
Với phương án 2, tuyến đi vào khu vực đầu cầu Phú Mỹ hiện có lưu lượng giao thông rất lớn, kết nối vào Vành đai 2 sau đó  nối vào trục  ven sông Sài Gòn để đi vào các trục chính của TPHCM như Đại lộ Đông Tây, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây… Theo phân tích của đơn vị tư vấn, phương án 2 ít ảnh hưởng đến Tân Cảng Cát Lái nhất, không tạo thêm kết nối. Dự kiến thời điểm kết thúc thu phí của trạm Phú Mỹ vào năm 2023, do vậy việc xây dựng cầu Cát Lái không ảnh hưởng đến việc thu phí của trạm Phú Mỹ. Sau khi phân tích nhiều góc độ, đơn vị tư vấn đề xuất chọn phương án số 2. 
Về phía Đồng Nai các phương án tuyến phần lớn không gặp trở ngại, vì phần dự án đi qua ít ảnh hưởng đến công tác GPMB. Về phía TPHCM, góp ý cho các phương án tuyến, đại diện quận 2 cho biết phương án tuyến số 2 đi ra hướng bờ sông Sài Gòn, qua dự án xử lý nước thải, dự án nhà ở xã hội của CTCP Thủ Thiêm, khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi.
Nếu chọn phương án này sẽ phải điều chỉnh quy hoạch hay ranh các dự án. Do đó đại diện quận 2 đề xuất chọn phương án 1 vì đường Nguyễn Thị Định đang mở rộng 60m. Đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn lại đề xuất không chọn phương án 3, vì có thể dự  án sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của cảng, nhất là với cổng C - nơi mỗi năm đóng góp ngân sách 93.000 tỷ đồng.
Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm đề nghị đơn vị tư vấn làm rõ thêm những thông tin góp ý từ các đơn vị dự họp, đặc biệt thông tin từ quận 2, để từ đó có thông tin chính xác, đầy đủ, trình lãnh đạo 2 địa phương xem xét, quyết định phương án tuyến. Việc quy hoạch, kết nối dự án cầu Cát Lái có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ cho TPHCM, Đồng Nai còn cho cả khu vực Đông Nam bộ và một số tỉnh ĐBSCL. Do đó đơn vị tư vấn cần xem xét bao quát, đầy đủ, để khi triển khai và sau này đưa dự án vào sử dụng, sẽ phát huy hiệu quả cao nhất. 
Cầu Cát Lái mở ra sự liên kết không chỉ giữa TPHCM với Đồng Nai, còn cho cả khu vực Đông Nam bộ và một số tỉnh ĐBSCL.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM

TheoĐỗ Trà Giang ( báo sài gòn đầu tư )

 

Tin liên quan

Đồng Nai mong ngóng cầu Cát Lái
( 17:24:00 PM - 10/03/2024 )
Cầu Cát Lái hình thành và đưa vào khai thác sẽ giúp việc đi lại của thông suốt, an toàn, nhanh chóng, tăng cường thông thương Từ nhiều năm nay, ...
Xem thêm »

Copyright © 2018 - All Rights Reserved. Design by Thiết kế web https://zland.vn

Hotline/zalo
Quý vị để lại thông tin chúng tôi sẽ liện hệ lại ngay
Số điện thoại
Họ Tên *
Ghi chú
+