ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH ĐÔ THỊ MỚI NHƠN TRẠCH 2035 - 2050

Phoi-canh-tong-the-do-thi-Nhon-Trach01

THUYẾT MINH TỔNG HỢP

ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG

ĐÔ THỊ MỚI NHƠN TRẠCH, TỈNH ĐỒNG NAI

ĐẾN NĂM 2035 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

I.   MỞ ĐẦU

1.1.Sự cần thiết lập điều chỉnh quy hoạch chung

a) Mở đầu

Huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai liền kề phía Đông TP.HCM, nằm dọc theo QL51 từ Biên Hòa đi Vũng Tàu, được bao bọc 3 mặt bởi các sông Đồng Nai, sông Lòng Tàu, sông Đồng Tranh và sông Thị Vải, giáp cảng hàng không quốc tế Long Thành, hệ thống cảng biển nước sâu, các tuyến đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành... Với vị trí như vậy, Nhơn Trạch được xác định là đầu mối giao thông quan trọng gắn liền với phát triển đô thị, dịch vụ và công nghiệp của vùng KTTĐ phía Nam; là một trong những trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, giáo dục-đào tạo và khoa học công nghệ của tỉnh Đồng Nai.

Năm 1996, Quy hoạch tổng thể xây dựng đô thị mới Nhơn Trạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 323/1996/QĐ-TTg ngày 17/5/1996. Từ đó, UBND Tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn Nhơn Trạch, đặc biệt là các công trình công nghiệp và đô thị mới Nhơn Trạch. Năm 1997, Quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp Nhơn Trạch quy mô 2700 ha đã được triển khai thực hiện.

Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 284/2006/QĐ-TTg ngày 21/12/2006 phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2020 (Gọi tắt là QHC năm 2006). Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã triển khai lập quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng 1 số công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị giao thông, san nền, cấp điện, nước, môi trường và công trình tiện ích khu dân cư như trường học, nhà trẻ, chợ... theo quy hoạch.

Căn cứ Văn bản số 9043/UBND-CNN ngày 20/12/2011 của UBND tỉnh Đồng Nai gửi Thủ tướng Chính phủ về Rà soát, đánh giá tình hình triển khai và kiến nghị lập hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đô thị mới Nhơn Trạch.

Căn cứ Văn bản số 802/VPCP-KTN ngày 13/22/2012 của Văn phòng Chính phủ đồng ý chủ trương điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Đô thị mới Nhơn Trạch, giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức lập và thẩm định quy hoạch.

Căn cứ Quyết định số 840/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Viện quy hoạch đô thị nông thông Quốc gia - Bộ Xây dựng tiến hành lập điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

b) Lý do điều chỉnh quy hoạch

1. Về liên kết vùng.

Sự biến chuyển về tình hình phát triển KT-XH của đất nước, với các định hướng lớn của vùng và quốc gia liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến huyện Nhơn Trạch, như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam bộ, Quy hoạch vùng thành phố Hồ Chí Minh; Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam bộ (nhóm 5)..., Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đồng Nai đã đuyệt phê duyệt; tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã hoàn thành đưa vào khai thác; Quy hoạch cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Chính phủ phê duyệt... Các tác động này đã bổ xung nhiều yếu tố mới về tính chất chức năng, vị thế của đô thị mới Nhơn Trạch trong vùng.

2. Về quy mô đô thị.

Theo QHC năm 2006, dự báo quy mô dân số đô thị Nhơn Trạch đến năm 2010 là 265.000 người (nội thị: 150.000 người); Đến năm 2020: 600.000 người (nội thị: 450.000 người). Thực tế dân số huyện Nhơn Trạch đến 9/2012 là 17,7 vạn người tương ứng với tỷ lệ tăng trung bình 3-4%  giai đoạn (2006-2012). Như vậy, dự báo quy mô dân số trong QHC năm 2006 là không khả thi, cần phải dự báo lại quy mô dân số tương ứng với tình hình thực tiễn. Trên cơ sở đó tính toán lại quỹ đất phát triển và các chỉ tiêu kinh tế hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật phù hợp, tránh gây lãng phí nguồn lực đầu tư.

1.    Các yếu tố mới phát sinh do nhu cầu phát triển KT-XH địa phương:

Địa bàn huyện Nhơn Trạch, tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư đến đăng ký tham gia trên lĩnh vực nhà ở, dịch vụ, du lịch... đây là những cơ hội mới tạo thêm động lực phát triển đô thị. Điều này đòi hỏi phải điều chỉnh lại chức năng một số lô đất, như: Thay đổi tính chất và quy mô diện tích tại một số cảng biển dọc sông Nhà Bè; các trường đại học khu vực xã Phước An; dự án phát triển dân cư tại các khu vực ngoại thành... Khu vực đất cây xanh cách ly, rừng bảo tồn cần rà soát xem xét các vị trí dọc tuyến kênh nước phù hợp phát triển dự án du lịch sinh thái cảnh quan.

2. Quản lý hồ sơ quy hoạch theo Hệ tọa độ VN2000:

QHC năm 2006 chưa có điều kiện để lập bản đồ đo đạc địa hình theo yêu cầu chuẩn Quốc gia. Vì vậy trong quá trình quản lý điều hành lập các dự án đầu tư và quy hoạch tại Nhơn Trạch phát hiện nhiều sai lệch trong việc cắm mốc, giao đất, khớp nối về tọa độ và cao độ san nền, các chỉ tiêu sử dụng đất, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật bên trong và ngoài hàng rào dự án...  Vì vậy, cần thiết cập nhật lại quy hoạch đã và đang triển khai trên địa bàn huyện Nhơn Trạch trên bản đồ đo đạc địa hình tỉ lệ 1/10.000 hệ tọa độ VN2000, kết nối với các dự án hạ tầng Quốc gia và tỉnh Đồng Nai đi qua đô thị mới NHơn Trạch.

3. Về căn cứ lập quy hoạch

QHC năm 2006 được lập quy hoạch theo Luật xây dựng 2003 và Nghị định 08/2005/NĐ-CP. Năm 2009, Luật quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ra đời cùng với Nghị định 37/2010/NĐ-CP và Thông tư 10/2010/TT-BXD được ban hành, hướng dẫn nhiều nội dung mới cần thiết phải bổ sung trong hồ sơ Quy hoạch chung xây dựng đô thị mới Nhơn Trạch, như:

Lồng ghép quy hoạch hệ thống ngầm đô thị.

Nghiên cứu thiết kế đô thị là cơ sở lập quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc cảnh quan...

Theo hướng dẫn tại điều 46, chương IV Luật Quy hoạch đô thị, ngày 20/12/2011 của UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản số 9043/UBND-CNN gửi Thủ tướng Chính phủ về Rà soát, đánh giá tình hình triển khai và kiến nghị lập hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đô thị mới Nhơn Trạch và ngày 13/22/2012, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 802/VPCP-KTN đồng ý chủ trương điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Đô thị mới Nhơn Trạch, giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức lập và thẩm định quy hoạch.

Vì các lý do trên, cần thiết phải tiến hành lập đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đô thị mới Nhơn Trạch - Tỉnh Đồng Nai đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050.

1.2.Các căn cứ lập quy hoạch

a) Các văn bản pháp lý.

Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17/6/2009. Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/04/2010 của Chính phủ ban hành về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị. Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/1/2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị. Thông tư số 10/2010/TT-BXD ngày 11 tháng 8 năm  2010 của Bộ Xây dựng về việc Quy định hồ sơ của từng loại quy hoạch đô thị;

Quyết định 04/2008/QĐ-BXD ngày 03/04/2008 của Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng. Quy chuẩn xây dựng Việt Nam và các quy chuẩn, quy phạm khác có liên quan.

Quyết định số 284/2006/QĐ-TTg  ngày 21/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đô thị mới Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến năm 2020;

Quyết định số 589/QĐ-TTg ngày 20/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2050.

Quyết định số 73/2008/QĐ-TTg ngày 04/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020.

Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị Việt nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.

Quyết định số 909/QĐ-TTg ngày 14/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Quyết định số 1659/2012/QĐ-TTg ngày 07/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển đô thị Quốc Gia.

Quyết định số 1949/QĐ-BGTVT ngày 12/7/2010 của Bộ GTVT về việc phê duyệt Đề xuất dự án đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Quyết định số 1745/QĐ-TTg ngày 3/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (Nhóm 5) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Quyết định số 943/QĐ-BGTVT ngày 20/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ đến năm 2020.

Nghị quyết số 53-NQ/TW, ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Quyết định số 840/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;

Quyết định số 1460/QĐ-UBND ngày 23/05/2014 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc Phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050

Nghị quyết số 84/NQ-HĐND ngày 12/07/2013 của HĐND tỉnh Đồng Nai về việc thông qua Đề án thành lập thị trấn Hiệp Phước thuộc huyên Nhơn Trạch.

Nghị định 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của TTCP về việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa, quy hoạch thủy lợi vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2012-2020.

Thông báo số 9438/TB-UBND ngày 22/01/2014 của UBND tỉnh Đồng Nai về Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh (Phan Thị Mỹ Thanh) tại buổi làm việc nghe báo cáo về hồ sơ Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;

Thông báo số 1501/TB-UBND ngày 27/02/2014 của UBND tỉnh Đồng Nai về Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh (Đinh Quốc Thái) tại buổi làm việc về đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;

b) Các dự án quy hoạch, dự án chuyên ngành liên quan:

Hồ sơ Quy hoạch chung xây dựng đô thị mới Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 theo Quyết định số 284/2006/QĐ-TTg  ngày 21/12/2006.

Hồ sơ Định hướng quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050

Hồ sơ Quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2025.

Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất tỉnh Đồng Nai, huyện  Nhơn Trạchh đến năm 2020.

Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai đến năm 2020.

Các quy hoạch ngành ; công nghiệp, du lịch, thương mại.vv… liên quan.

Các quy hoạch chi tiết khu công nghiệp, khu đô thị tại khu vực đã được phê duyệt.

Các quy hoạch, phát triển ngành và các dự án đã và đang triển khai trên địa bàn.

c) Cơ sở bản đồ lập quy hoạch:

Niên giám thống kê tỉnh Đồng Nai, huyện Nhơn Trạch, Cục Thống kê tỉnh các năm và các tài liệu số liệu huyện Nhơn Trạch …

Bản đồ địa hình tỉ lệ  1/10.000.

Bản đồ địa chính, sử dụng đất, bản đồ đo đạc tại các khu vực lập dự án .

1.3.Phạm vi và thời hạn lập quy hoạch

a) Phạm vi quy hoạch

Toàn bộ ranh giới hành chính huyện Nhơn Trạch gồm 12 đơn vị hành chính bao gồm: Thị trấn Hiệp Phước và 11 xã: Đại Phước, Long Tân, Long Thọ, Phước An, Phước Khánh, Phước Thiện, Phú Đông, Phú Hữu, Phú Hội, Phú Thạnh, Vĩnh Thanh.

Tổng diện tích 41.078 ha.

Giới hạn như sau:

Phía Bắc giáp huyện Long Thành(Đồng Nai) và sông Đồng Nai, bên kia sông là khu vực Cát Lái, cù lao 6 xã thuộc Quận 2 và Quận 9 – TP Hồ Chí Minh.

Phía Đông giáp huyện Long Thành và 1 phần khu vực Mỹ Xuân, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (qua sông Thị Vải).

Phía Tây giáp huyện Nhà Bè - TP Hồ Chí Minh (qua sông Nhà Bè).

Phía Nam giáp huyện Cần Giờ - TP Hồ Chí Minh (qua sông Đồng Tranh).

b) Thời hạn quy hoạch

Giai đoạn ngắn hạn: đến năm 2025.

Giai đoạn dài hạn: đến năm 2035

Tầm nhìn: đến năm 2050.

c) Loại hình quy hoạch

Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch đô thị (theo điều 49, Luật QHĐT).

1.4.Quan điểm, mục tiêu

a.     Quan điểm

Tôn trọng, kế thừa những nghiên cứu của QHC năm 2006 được TTCP phê duyệt và các quy hoạch trong các giai đoạn trước, có sự điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của thực tế.

Phát triển đô thị mới Nhơn Trạch hài hòa giữa công nghiệp và dịch vụ, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, giữa đô thị với nông thôn và giữ gìn cảnh quan môi trường đặc thù vùng ven sông Đồng Nai, Lòng Tàu, Đồng Tranh, khu vực rừng ngập mặn.

b.    Mục tiêu

Xây dựng và phát triển đô thị Nhơn Trạch đồng bộ về mạng lưới hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; tạo lập hình ảnh đô thị mang bản sắc khu vực, đảm bảo phát triển bền vững.

Cụ thể hóa các quy hoạch cấp trên, khớp nối, đồng bộ hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung và các dự án trên địa bàn chuẩn hệ tọa độ VN2000. Ứng xử với dự án đầu tư đã được cấp thẩm quyền phê duyệt phù hợp với định hướng của điều chỉnh QHC.

Là cơ sở pháp lý triển khai lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch. Đề xuất danh mục các chương trình đầu tư và dự án chiến lược theo từng giai đoạn; Kiểm soát phát triển và quản lý đô thị nhằm xây dựng đô thị mới Nhơn Trạch phát triển bền vững.

Quy định quản lý theo đồ án

QUY ĐỊNH QUẢN LÝ

THEO ĐỒ ÁN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG ĐÔ THỊ MỚI NHƠN TRẠCH, TỈNH ĐỒNG NAI  ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

(Ban hành kèm theo quyết định số 455/QĐ-TTg ngày 22 tháng 03 năm 2014 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050).

I. PHẦN MỞ ĐẦU

1.1.Lời giới thiệu

Với mục tiêu cụ thể hóa Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 và xây dựng các công cụ quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn đô thị Nhơn Trạch. Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được lập theo các quy định của pháp luật.

Ngày 22 tháng 03năm 2016 tại Quyết định số 455/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (viết tắt là QHCĐTMNT) do Viện quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia lập. (gọi tắt là VIUP) thực hiện. Hồ sơ quy hoạch bao gồm: bản vẽ, thuyết minh và quy định quản lý theo quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được lập theo các quy định: Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Nghị định 37/2010/NĐ-CP, Thông tư số 10/2010/TT-BXD và các quy định pháp luật có liên quan, trên cơ sở nội dung đồ án đã được phê duyệt. Quy định quản lý này cùng với hồ sơ bản vẽ thuyết minh QHCĐTMNT là cơ sở pháp lý để lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch chuyên ngành; để các tổ chức, cá nhân liên quan tuân thủ và thực hiện.

1.2.Nội dung quy định quản lý

Nội dung Quy định quản lý gồm 3 phần chính như sau:

Phần 1 - Quy định chung:

Bao gồm đối tượng, phạm vi áp dụng, các mục tiêu, tầm nhìn, chiến lược và các dự báo phát triển; các phân vùng kiểm soát phát triển theo định hướng phát triển không gian của đồ án quy hoạch chung; các quy định và hướng dẫn mang tính định hướng cho từng vùng, khu vực chức năng chính, đồng thời cũng đưa ra các quy định chung cho hệ thống chuyên ngành và hạ tầng kỹ thuật.

Phần 2 - Quy định cụ thể:

Bao gồm các quy định chỉ dẫn phục vụ công tác quản lý, kiểm soát phát triển về tính chất, quy mô, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật đô thị, đồng thời đưa ra các khuyến khích, khuyến cáo và nghiêm cấm về xây dựng phát triển cho từng khu vực cụ thể.

Phần 3 - Tổ chức thực hiện:

Hướng dẫn về tổ chức thực hiện, phân công trách nhiệm và các quy định khác liên quan.

1.3.Căn cứ pháp lý

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003; Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12;

Căn cứ Nghị định 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Căn cứ Thông tư số 10/2010/ TT-BXD ngày 11/8/2010 của Bộ Xây dựng về quy định hồ sơ của từng loại quy hoạch đô thị;

Căn cứ các văn bản pháp lý có liên quan;

Căn cứ hồ sơ đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm thuyết minh tổng hợp và các bản vẽ.

II. QUY ĐỊNH CHUNG

2.1.Đối tượng và phạm vi áp dụng

Quy định này áp dụng đối với tất cả các tổ chức, cá nhân thực hiện việc quản lý phát triển đô thị, đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang đô thị, nông thôn trong phạm vi 41.078ha thuộc Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo theo đúng đồ án đã được phê duyệt.

Quy định này là cơ sở để chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý kiến trúc, quy hoạch, xây dựng của Tinh Đồng Nai xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch và quản lý đầu tư xây dựng, đồng thời làm căn cứ để xác lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, các quy hoạch chuyên ngành, tất cả các khu vực trong đô thị mới Nhơn Trạch tuân thủ định hướng quy hoạch chung.

2.2.Ranh giới, quy mô diện tích, dân số

a. Quy định về ranh giới và quy mô diện tích:

Phạm vi lập quy hoạch Đô thị mới Nhơn Trạch có quy mô 41.078 ha, bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính huyện Nhơn Trạch gồm 12 đơn vị hành chính bao gồm: Thị trấn Hiệp Phước và 11 xã: Đại Phước, Long Tân, Long Thọ, Phước An, Phước Khánh, Phước Thiện, Phú Đông, Phú Hữu, Phú Hội, Phú Thạnh, Vĩnh Thanh. Có giới hạn như sau:

Phía Bắc giáp huyện Long Thành(Đồng Nai) và sông Đồng Nai, bên kia sông là khu vực Cát Lái, cù lao 6 xã thuộc Quận 2 và Quận 9 – TP Hồ Chí Minh.

Phía Đông giáp huyện Long Thành và 1 phần khu vực Mỹ Xuân, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (qua sông Thị Vải).

Phía Tây giáp huyện Nhà Bè - TP Hồ Chí Minh (qua sông Nhà Bè).

Phía Nam giáp huyện Cần Giờ - TP Hồ Chí Minh (qua sông Đồng Tranh).

b. Quy định về đất đai:

Đến năm 2020: Tổng đất xây dựng khoảng 7.486ha, chiếm 18,2%, bao gồm: đất dân dụng khoảng 1.509ha (chỉ tiêu khoảng 100,6m2/người), đất ngoài dân dụng khoảng 5.977ha..

Đến năm 2025: Tổng đất xây dựng khoảng 8.633ha, chiếm 21%, bao gồm: đất dân dụng khoảng 1.639ha (chỉ tiêu khoảng 96,4m2/người), đất ngoài dân dụng khoảng 6.994ha..

Đến năm 2030: Tổng đất xây dựng khoảng 10,629ha, chiếm 25,9%, bao gồm: đất dân dụng khoảng 1.976ha (chỉ tiêu khoảng 98,8m2/người), đất ngoài dân dụng khoảng 8.653ha..

Đến năm 2035: Tổng đất xây dựng khoảng 12.920ha, chiếm 31,5%, bao gồm: đất dân dụng khoảng 2.336ha (chỉ tiêu khoảng 97,3m2/người), đất ngoài dân dụng khoảng 10.584ha..

c. Quy định về dân số:

Dự báo dân số đến năm 2025 đạt khoảng 26÷28 vạn người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 60÷65%;

Dự báo dân số đến năm 2035 đạt khoảng 34÷36 vạn người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 62÷70%.

2.3. Quy định về phân vùng phát triển không gian

Đô thị Nhơn Trạch được phân chia làm 8 khu vực phát triển, gồm:

Khu vực 1: Khu trung tâm đô thị,

Khu vực 2: Dải đô thị vành đai;

Khu vực 3: Dải đô thị ven sông Đồng Nai;

Khu vực 4: Khu dân cư hiện hữu;

Khu vực 5: Khu công nghiệp.

Khu vực 6: Dải sinh thái ven sông Nhà Bè và sông Loòng Tàu,

Khu vực 7: Khu công nghiệp - dịch vụ hậu cần - cảng,

Khu vực 8: Vùng bảo tồn rừng ngập mặn.

2.3.2. Quy định quản lý cảnh quan tự nhiên - không gian xanh   

Đối với khu vực cảnh quan đặc thù: Vị trí ranh giới, qui mô diện tích được xác định theo các ranh giới hạn chế phát triển trong bản đồ QHSDĐ mục cây xanh gồm rừng ngập mặn Phước An, xây dựng quy hoạch chuyên ngành như quy hoạch bảo tồn, quy hoạch môi trường... để quản lý phát triển và kết hợp khai thác du lịch, dịch vụ... trong đó cảnh quan tự nhiên làm trọng tâm và là đối tượng bảo tồn và tôn tạo. Khuyến khích xây dựng công trình dịch vụ, vui chơi giải trí quy mô nhỏ, thân thiện môi trường phục vụ cộng đồng.

Đối với hệ thống cây xanh trong đô thị: Phát triển hệ thống cây xanh đô thị kết hợp cải tạo chỉnh trang hệ thống công viên, cây xanh hiện có, gắn với không gian mặt nước, đảm bảo liên kết với không gian cây xanh của hành lang xanh tuân thủ tiêu chuẩn hiện hành về cây xanh trong đô thị, trên nguyên tắc:

    Đối với khu vực đô thị: xây dựng hệ thống công viên theo định hướng quy hoạch chung; cải tạo chỉnh trang công viên hiện hữu.  Đối với hệ thống công viên cây xanh trong khu vực phát triển đô thị mới: Phát triển đồng bộ hệ thống công viên, cây xanh đô thị theo các cấp, phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng hiện hành, gắn với việc phát triển các công trình sân bãi tập luyện thể dục thể thao, khu vui chơi giải trí phục vụ mọi đối tượng, tầng lớp nhân dân.

Đối với hệ thống sông, suối, kênh rạch: nghiên cứu lập quy hoạch và khoanh vùng bảo vệ theo quy hoạch. Đối với các sông chính bao quanh khu ĐTM Nhơn Trạch như sông Nhà Bè, sông Đồng Nai, Sông Đồng Tranh, Loòng Tàu… vùng bảo vệ được xác định trên nguyên tắc tuân thủ quy định của Luật Đê điều và các văn bản quy phạm có liên quan.

Đảm bảo hành lang thoát lũ ven sông, suối, kênh, rạch được xác định cách mép nước trung bình khoảng từ 50-150m ven sông, 12-30m ven các kênh rạch tùy thuộc cấp sông-kênh-rạch, cấu tạo địa chất khu vực ven mặt nước và chức năng sử dụng khu vực liền kề. Đối hệ thống sông, suối, kênh rạch trong đô thị cần tính toán tích hợp với các hệ thống công viên bảo đảm tăng khả năng thoát nước cải thiện môi trường và cảnh quan. Đảm bảo tính liên tục vùng bảo vệ cách mép nước theo quy định.

Khoanh vùng kiểm soát phát triển, tạo ranh giới và khoảng cách đệm với các đô thị và làng đô thị hóa bằng không gian mở và không gian công cộng, chú ý tạo mặt nước làm không gian đệm.

Đối với khu vực phát triển nông nghiệp: Duy trì các khu vực trồng lúa, hoa màu, khu làng nghề trồng hoa cây cảnh và cây ăn quả, khuyến khích phát triển các khu vực năng suất cao dựa trên mô hình khu nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp diện tích canh tác hiện có và môi trường tự nhiên.

2.5. Quy định về kiến trúc cảnh quan

a. Mô hình và hướng phát triển đô thị:

Đô thị Nhơn Trạch phát triển theo mô hình tập trung đơn cực; kết nối liên thông với khu vực đô thị Long Thành bằng tuyến đường 319 kéo dài và hành lang cảnh quan sông Đồng Nai. Trung tâm hành chính, văn hóa, dịch vụ đô thị nằm trong khu vực lõi đô thị; các trung tâm dịch vụ cấp vùng nằm tại các cửa ngõ kết nối đô thị Nhơn Trạch với hệ thống hạ tầng quốc gia.

Kế thừa định hướng không gian đô thị mới Nhơn Trạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 284/2006/QĐ-TTg ngày 21/12/2006 và các quy hoạch, dự án đã có. Khu vực phát triển mật độ cao gồm toàn bộ vùng đất gò đồi giới hạn bởi các tuyến đường 25A, hương lộ 19 và đường tỉnh 769. Khu vực hạn chế phát triển, xây dựng mật độ thấp thuộc vùng đất thấp trũng dọc các sông Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu, Đồng Tranh, Thị Vải... để không ảnh hưởng đến thoát nước vùng và các yếu tố môi trường, biến đổi khí hậu. Duy trì vùng sinh thái nông nghiệp và bảo tồn vùng rừng ngập mặn.

Phát triển mở rộng từ xã Hiệp Phước (đô thị loại V hiện hữu) và trung tâm huyện Nhơn Trạch để hình thành lõi đô thị. Mở rộng lõi đô thị về phía Bắc và phía Đông đến hết ranh giới huyện Nhơn Trạch, về phía Nam đến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, về phía Tây đến đường qua phà Cát Lái đi thành phố Hồ Chí Minh;

Khu vực phát triển đô thị tập trung:

+ Các khu đô thị mới phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Hình thành các không gian cao tầng, mật độ cao, đa chức năng dọc theo các tuyến 25B, 25C, đường vành đai 3... Thiết lập các trung tâm công cộng, không gian sinh hoạt cộng đồng, tuyến không gian đi bộ, trục thương mại bán lẻ kết nối với các vùng sinh thái ven sông và vùng sinh thái nông nghiệp. Tập trung xây dựng hoàn thiện và tạo chính sách ưu đãi thu hút dân cư đến sinh sống tại các dự án đã xây dựng hạ tầng. Khu vực còn lại, tùy thuộc vào nhu cầu thực tế mới xây dựng, khuyến khích dành đất dự trữ phát triển đô thị lâu dài, tránh đầu tư lãng phí.

+ Cải tạo chỉnh trang khu dân cư cũ, ưu tiên đầu tư xây dựng xã Hiệp Phước nâng cấp lên thị trấn và tạo lập hình ảnh kiến trúc đặc trưng ở các cửa ngõ kết nối đô thị với hệ thống giao thông vùng.

Khu vực hạn chế phát triển:

+ Dọc sông Đồng Nai, sông Nhà Bè, sông Cái, sông Đồng Môn: Bảo vệ hệ sinh thái ven sông và các vùng cửa sông. Tổ chức các công viên sinh thái, mặt nước thoáng. Cho phép phát triển một số dịch vụ công cộng với công trình kiến trúc thấp tầng. Trên sông Đồng Nai, ưu tiên phát triển du lịch – đô thị sinh thái mật độ thấp, đảm bảo khoảng cách ly ≥100m từ mép sông để trồng cây xanh, hình thành các vùng bán ngập kết nối với liên thông hệ thống kênh rạch để không ảnh hưởng đến thoát nước tự nhiên và tạo môi trường cảnh quan sinh thái.

+ Khoanh vùng bảo tồn vùng sinh thái tự nhiên rừng ngập mặn khu vực sông Đồng Tranh và sông Thị Vải. Lập quy chế quản lý bảo vệ rừng.

+ Các điểm dân cư nông thôn: Phát triển mô hình nông thôn mới gắn với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản và bảo vệ rừng ngập mặn. Hạn chế không mở rộng làng, bảo vệ đất nông nghiệp, duy trì làng xóm phát triển mật độ thấp, không lấp kênh rạch.

+ Các dự án phát triển du lịch và đô thị sinh thái: Ưu tiên xây dựng các chức năng phục vụ du lịch giải trí gắn với cảnh quan sông nước. Xây dựng đô thị mật độ thấp. Công trình xây dựng phải đảm bảo khoảng cách ly theo quy định với hệ thống sông, kênh rạch.

+ Đảm bảo hành lang cách ly đối với khu vực xử lý rác, xử lý nước thải và nghĩa trang theo quy định.

Không gian đô thị Nhơn Trạch được phát triển theo mô hình đô thị tập trung, phát triển mật độ cao từ lõi đô thị và lan tỏa và giảm dần mật độ ra khu vực vùng biên, các lớp không gian được được phát triển thành dải bao quanh đô thị lõi. Các khu vực chức năng có tổ chức không gian phù hợp với tính chất từng khu vực. Trong đó: các khu trung tâm được bố trí tại những vị trí thuận lợi về giao thông là điểm hội tụ của các luồng không gian, kết nối thuận lợi với các khu chức năng đô thị khác, khai thác các yếu tố cảnh quan tự nhiên và thuận lợi trong việc đóng góp vào không gian kiến trúc cảnh quan chung của toàn đô thị (trung tâm cấp vùng được bố trí tại các đầu mối giao thông đối ngoại, các trung tâm đô thị phát triển mới trên các trục chính đô thị (25B, 25C, đường Q2-TP HCM, đường số 1, đường số 7, đường 319,...). Các khu đô thị mới được phát triển theo nguyên tắc lan tỏa từ đô thị trung tâm, các khu vực hiện hữu. Các khu du lịch sinh thái phát triển ven đô gắn kết với không gian cây xanh mặt nước ven các sông suối và vùng thoát nước tự nhiên. Những không gian chức năng phải đáp ứng các hoạt động đặc trưng của một đô thị xanh với những tiện nghi đô thị chất lượng cao.

 b. Các yêu cầu về mật độ -  tầng cao xây dựng

Khu vực phát triển tập trung: Tại khu vực trung tâm đô thị xây dựng mô hình đô thị nén với các công trình hỗn hợp; mật độ xây dựng khoảng 40-70%; tầng cao trung bình từ 6-8 tầng (một số công trình điểm nhấn cao trên 35 tầng). Tại khu vực dải đô thị vành đai mật độ xây dựng khoảng 30-50%, tầng cao trung bình từ 3-6 tầng (một số công trình điểm nhấn cao trên 20 tầng). Khu vực dân cư hiện hữu chỉnh trang và dải đô thị ven sông Đồng Nai mật độ xây dựng khoảng 20-40%; tầng cao trung bình từ 2-3 tầng. Hình thành các không gian cao tầng, chức năng hỗn hợp dọc các tuyến đường chính đô thị như: tuyến 25B, 25C, đường vành đai 3 và giảm dần mật độ cũng như chiều cao công trình vào trong các ô phố... Thiết lập các không gian xanh, quảng trường gắn với các trung tâm công cộng, không gian sinh hoạt cộng đồng, tuyến đi bộ, trục thương mại bán lẻ.

Các khu cảng, dịch vụ cảng, du lịch - đô thị sinh thái khuyến khích phát triển theo mô hình sinh thái mật độ thấp từ 15-25% với kiến trúc thấp tầng, hài hòa với cảnh quan sông nước. Tăng mật độ cây xanh và mặt nước, tạo dải cây xanh cách ly khoảng 50-150m ven sông, 12-30m ven các kênh rạch, đảm bảo không ảnh hưởng đến thoát nước tự nhiên và tạo môi trường cảnh quan sinh thái. Kiểm soát sự phát triển dân cư và khai thác nuôi trồng thủy 

sản. Bảo vệ cảnh quan vùng ngập mặn; xây dựng các điểm du lịch nhỏ có kiến trúc phù hợp với cảnh quan thiên nhiên. Cụ thể:

(*) Mật độ xây dựng:

Khuyến khích các khu vực trung tâm xây dựng mật độ cao để tăng cường hiệu quả sử dụng đất. Cấm bê tông hóa tại các khu vực bảo vệ cảnh quan tự nhiên.

Khu trung tâm hành chính đô thị mật độ xây dựng từ 30-45% .

Các trung tâm văn hóa mật độ xây dựng từ 25-40%.

Các khu trung tâm thương mại dịch vụ và trung tâm đô thị mới mật độ xây dựng từ 40 - 70%. Trong đó mật độ xây dựng trung bình khu vực này khoảng 40-55%, một số tổ hợp trung tâm hay những khu vực trọng điểm mật độ tối đa có thể đạt 50-70%.

Các công trình công cộng như giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, chợ, thương mại trong các khu vực xây dựng mới từ 25- 40%.

Các công trình dịch vụ đô thị khác và các công trình có chức năng hỗn hợp:

+ Mật độ xây dựng thuần (net-tô) tối đa của các công trình dịch vụ đô thị khác và các công trình có chức năng hỗn hợp xây dựng trên lô đất có diện tích ≥3.000m2 cần được xem xét tùy theo vị trí trong đô thị và các giải pháp quy hoạch cụ thể đối với lô đất đó và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về khoảng cách tối thiểu giữa các dãy nhà (mục 2.8.4) và về khoảng lùi công trình (mục 2.8.5) và đảm bảo diện tích chỗ đỗ xe theo quy định, đồng thời mật độ xây dựng tối đa phải phù hợp với quy định trong bảng 2.7b.

+ Đối với các công trình dịch vụ đô thị khác và các công trình có chức năng hỗn hợp xây dựng trên lô đất có diện tích <3.000m2, sau khi trừ đi phần đất đảm bảo khoảng lùi  theo quy định tại mục 2.8.5, trên phần đất còn lại được phép xây dựng với mật độ 100%, nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về khoảng cách tối thiểu giữa các dãy nhà (mục 2.8.4) và đảm bảo diện tích chỗ đỗ xe theo quy định

Các khu công nghiệp khống chế mật độ xây dựng đối với lô đất xây dựng nhà máy 35-70% tùy theo diện tích lô đất và tầng cao theo bảng 2.4 Quy chuẩn xây dựng Việt nam Quy hoạch xây dựng.

 (*) Khống chế về tầng cao xây dựng:

Phạm vi ranh giới toàn huyện Nhơn Trạch không bị khống chế chiều cao do nằm ngoài vùng phễu bay của sân bay quốc tế Long Thành. Khống chế độ cao xây dựng đô thị Nhơn Trạch dựa trên nguyên tắc tổ chức không gian đô thị theo hệ thống các tuyến, điểm, diện công trình xây dựng và căn cứ vào điều kiện tự nhiên,  hiện trạng xây dựng, quy hoạch sử dụng đất được duyệt.

Về tổng thể, khu vực xây dựng công trình cao tầng tập trung ở khu trung tâm đô thị Nhơn Trạch và thấp dần ra đến HL19. Khu vực ngoài HL19 trừ các điểm cửa ngõ và điểm nhấn đô thị tại nút giao đường 319 với CT LT-DG, tại đường vành đai 3 từ HCM qua sông Đồng Nai vào Nhơn Trạch và trên đường qua Q2 TPHCM có thể bố trí những điểm hay cụm cao tầng nổi bật là điểm nhấn và dẫn hướng đô thị và các khu hỗn hợp có thể bố trí chiều cao trung bình thì khu vực còn lại xây dựng chủ yếu là nhà thấp tầng. Các công trình cao tầng dọc các trục chính đô thị và thấp dần vào lõi bên trong, đề xuất khai thác một số khu vực có thể quan sát thấy nhiều hướng khác nhau để xây dựng các công trình kiến trúc cao tầng tạo điểm nhấn cảnh quan cho đô thị.

Đối với khu vực xây dựng mới:

Các loại hình công trình công cộng và dịch vụ hỗn hợp: Khuyến khích xây dựng cao tầng hay xây dựng tổ hợp công trình trong các khu đô thị mới, nhất là các trục đường chính đô thị thay thế cho mô hình nhà ở đơn lẻ như hiện nay - khuyến khích chiều cao từ 12-25 tầng.

Dọc trên các tuyến đường chính đô thị, đường chính khu vực, tầng cao xây dựng đối với công trình  công cộng tối thiểu 3 tầng, đối với nhà ở tối thiểu 2,5 tầng.

Tại giao cắt các tuyến đường chính khu vực khuyến khích xây dựng ≥ 3 tầng.

Tại các khu vực trung tâm đô và cửa ngõ đô thị hình thành một số điểm nhấn cao tầng (cao trên 35 tầng) tạo điểm nhấn và điểm vọng cảnh quan sát toàn đô thị.

Các khu làng xóm cũ giữ nguyên tầng cao như hiện nay. Các khu vực có di tích lịch sử có giá trị cần giữ lại, các công trình xung quanh xây dựng tối đa không quá 3 tầng.

Các khu cây xanh công viên, nên xây dựng công trình thấp tầng hài hoà với không gian xanh và mặt nước, không xây dựng công trình cao tầng.

Các khu vực khác, tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể để xác định chiều cao của công trình kiến trúc cho phù hợp.

2.5.2. Tổ chức không gian các khu vực chức năng chính

a.  Các khu vực trung tâm:

* Khu trung tâm hành chính - văn hóa:

Trung tâm hành chính được thiết kế với không gian trang trọng, nghiêm túc, yên tĩnh và các quảng trường có thể hội tụ đông người. Tạo đặc trưng nổi bật về không gian kiến trúc gắn kết tầm nhìn giữa khu trung tâm với các khu chức năng liền kề khác trong đô thị như quảng trường, khu vực trung tâm thương mại và dịch vụ, trung tâm cây xanh thể dục thể thao tạo nên trục không gian liên hoàn cho trung tâm đô thị.

Khuyến khích hợp khối liên cơ quan để có được những công trình lớn, tương xứng với bộ mặt đô thị. Tạo không gian rỗng thoáng bên trong các tòa nhà. Hạn chế xây dựng các công trình thấp tầng ≤ 3 tầng, manh mún không hợp khối kiến trúc.

Trung tâm văn hóa: khuyến khích các công trình xây dựng có cùng xu hướng kiến trúc (màu sắc, vật liệu, mái,...), phù hợp đặc trưng khí hậu và môi trường. Khuyến khích xây dựng các biểu tượng tại quảng trường, trung tâm hành chính - văn hoá.

* Khu trung tâm thương mại - dịch vụ:

Tạo không gian thương mại nổi bật và đặc trưng về tầng cao và khối tích. Gắn kết hợp lý giữa giao thông công cộng với các hoạt động thương mại đầu mối, tạo không gian linh hoạt cho những sự kiện đa năng suốt ngày đêm.

Khuyến khích xây dựng các công trình hiện đại, hợp khối thống nhất. Không được phép xây dựng manh mún, không tạo thành tổ hợp kiến trúc đồng nhất, tại các trung tâm lớn cho phép xây dựng một số công trình cao tầng tạo điểm nhấn kiến trúc, làm biểu tượng cho khu vực.

Liên kết các tòa nhà trong các dãy phố và tạo ra nhiều không gian mở tối đa cho các hoạt động mua sắm và đi lại. Đây là khu vực phải tạo nên sức hút cư dân khu vực đến để giao lưu văn hóa, sinh hoặt cộng đồng, mua sắm, thư giãn.

Tạo không gian quảng trường rộng trước các tòa nhà, kết hợp các hình thức quảng cáo hiệu quả và thẩm mĩ cao. Đối với các tòa nhà cao tầng tại các khu trung tâm thương mại khuyến khích kết hợp văn phòng cho thuê.

b. Các khu dân cư:

* Khu dân cư mới:

Xây dựng hiện đại và đồng bộ các khu đô thị mới, kết nối hài hoà với các khu dân cư hiện trạng lân cận và tổng thể chung. Các khu đô thị trong khu vực đô thị trung tâm được xây dựng theo mô hình đơn vị ở (tương đương các phường). Các đơn vị ở được quy hoạch gồm nhiều loại hình nhà ở với mật độ từ cao (nhà chung cư, chia lô) đến thấp (nhà vườn).

Các hoạt động, không gian công cộng đơn vị ở gắn với trục giao thông liên khu ở hoặc đường chính khu ở, nằm ở vị trí cửa ngõ các đơn vị ở. Trục đường chính dẫn đến các trung tâm đơn vị ở cần có thiết kế đặc biệt như lưu ý về chủng loại cây trồng, vật liệu lát vỉa hè, đèn chiếu sáng…

Các không gian mở là những không gian xanh, mặt nước cần bố trí liên hệ trực tiếp với các nhóm nhà ở, các công trình phúc lợi công cộng như: trường học, sân chơi, sân tập thể dục hàng ngày của người dân trong đơn vị ở... cố gắng tạo ra những cảm giác yên tĩnh, môi trường trong sạch. Tạo lập không gian đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho các khu đô thị mới.            

Ưu tiên xây dựng các công trình tại các điểm nhấn kiến trúc. Hình thành trong lõi các khu đô thị mới các không gian mở với những kích thước đa dạng và các tuyến đi bộ tới khu trung tâm công cộng.

Trên các tuyến giao thông, tạo không gian mở và khoảng lùi công cộng phù hợp để giảm thiểu ô nhiễm về giao thông và hạ tầng kỹ thuật khác đến các lô đất ở.

Các công trình phục vụ công cộng đơn vị ở bố trí trong lõi khu đô thị mới, đảm bảo bán kính phục vụ theo tiêu chuẩn quy phạm. Xây dựng các khu vui chơi giải trí trong lõi các đơn vị ở, không bị tác động từ các ảnh hưởng của tuyến giao thông chính.

* Các khu cải tạo, chỉnh trang, đô thị hóa:

Xen cấy các khu xây dựng mới, cải tạo chỉnh trang theo hướng hiện đại đối với khu dân cư hiện trạng giữ lại.

Mối quan hệ giữa kích thước xây dựng và hình khối công trình, giữa mật độ xây dựng với chiều cao phải tạo hiệu quả cảnh quan kiến trúc và hình ảnh đặc trưng cho cả khu vực xây mới lẫn cải tạo xen cấy.

Các khu có công trình to lớn và các khu xây dựng thấp tầng cần có sự chuyển tiếp rõ ràng. Công trình cao mang tính dẫn hướng, các công trình thấp tạo nên đồng nhất cho các diện và các tuyến phố.

Xử lý các vùng đệm tại các ngả giao cắt, tại đây các công trình có hình thái kiến trúc tương đồng kể cả về chiều cao và độ lớn sử dụng các phân vị dọc ngang đồng đều.

* Khu vực làng xóm

Giữ lại cấu trúc làng xóm truyền thống với các yếu tố cơ bản cấu thành một làng. Tổ chức thêm các không gian đệm, các vành đai xanh bảo vệ không gian kiến trúc cho các làng (hoàn thiện hàng rào cây xanh, mương thoát nước tự nhiên, ruộng lúa, thảm cây xanh).

Kết nối giao thông chính của làng với giao thông đô thị, xen cấy các khu dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày, tổ chức lại hệ thống giao thông trong khu vực làng.

Hạn chế không tăng mật độ xây dựng và tầng cao quá 3 tầng. Tăng diện tích cây xanh trong mỗi lô đất. Khuyến khích hình thức bố cục không gian và kiến trúc công trình theo lối làng xã cổ truyền thống.            Khuyến khích cải tạo đường trong làng, mở rộng mặt cắt đủ để đảm bảo nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Đối với các không gian rỗng trong làng: Không lấn chiếm hồ ao hiện có, sử dụng thành không gian mở trồng cây xanh, tạo nên các khu vui chơi giải trí, hội hè cho khu dân cư, xây dựng các kiến trúc nhỏ như vườn, chòi nghỉ ngắm cảnh và tổ chức đường đi bộ phục vụ sinh hoạt công đồng.        

d.  Các trục không gian chủ đạo

* Nguyên tắc thiết kế chung:

Trên các trục giao thông chính cần phải thiết kế đường cho người tàn tật, dải cây xanh chống ô nhiễm tiếng ồn, bụi. Hình thức các vật liệu lát hè đường, hình thức bó vỉa, các giải pháp hạn chế tai nạn giao thông. Các thiết kế đô thị cục bộ cần quan tâm đến việc tổ chức các chủng loại cây trồng dọc đường, đèn chiếu sáng, hệ thống biển quảng cáo, biển báo dẫn hướng, tuyến hành lang dành riêng cho người tàn tật, người đi bộ; màu sắc, hình khối công trình; kiến trúc và hình thức hàng rào.

Tổ chức nhiều trục không gian mở từ khu vực trung tâm ra hành lang xanh ven sông Đồng nai phía Bắc và vùng sinh thái nông nghiệp phía Tây và Nam tạo nên các hành lang thông thoáng kết nối các hoạt động đô thị và không gian thưởng lãm, nghỉ ngơi, giải trí

* Trục chính đô thị:

Dọc các trục giao thông chính khuyến khích lùi chỉ giới xây dựng tối đa 15m, bố trí các thiết bị công cộng đô thị như biển báo, đèn, biển quảng cáo, đường dành cho người đi bộ .v.v… Tăng cường tạo hình ảnh mới với kiến trúc hiện đại và tích hợp đa chức năng sử dụng dọc trục đường. Nâng cao hoạt động thương mại, dịch vụ và văn phòng

Khu vực cao tầng tạo diện mạo kiến trúc đặc thù cho đô thị với các kiến trúc hai bên đường được xây dựng hài hoà, khuyến khích phát triển mô hình xây dựng cao tầng theo mô hình kiến trúc xanh với chức năng ở kết hợp dịch vụ. Khoảng cách giữa các công trình cao thấp tầng hài hoà, được thiết kế đảm bảo thông thoáng cho các không gian 2 bên đường. Khuyến khích dành quỹ đất trồng cây xanh hoặc tạo mặt hè rộng để tổ chức lối đi bộ và không gian mở trên tuyến đường.

Cần quan tâm thiết kế các toà nhà tại các ngả giao cắt của tuyến đường chính đô thị. Trước các công trình trọng điểm có vườn hoa hoặc quảng trường công cộng tạo nên các không gian đón mở trên trục đường, hạn chế tối đa xây dựng hàng rào đặc, khuyến khích sử dụng hàng rào rỗng hoặc hàng rào ước lệ.

* Các trục không gian đi bộ:

Hình thành các tuyến trục đi bộ trên cơ sở các không gian mở nối kết với các hành lang xanh của đô thị hoặc hành lang đi bộ nối kết trực tiếp các khu ở với các khu trung tâm. Trên các trục đi bộ, bố trí các tiện nghi hỗ trợ, nhằm đảm bảo tạo điều kiện cho người đi bộ lưu thông được an toàn, cự ly ngắn, liên hệ thuận tiện và được cung cấp những dịch vụ cần thiết.

Phân tách hai hình thức trục đi bộ bao gồm trục đi bộ thương mại và trục đi bộ trong khu ở. Trên các tuyến đi bộ thương mại tổ chức các trung tâm thương mại, không gian mua sắm, không gian vui chơi giải trí .v.v… Trên tuyến này hình thành chuỗi các quảng trường, vườn hoa và các tiểu cảnh kiến trúc nghệ thuật, kết thúc trục đi bộ sẽ là công trình điểm nhấn có kiến trúc đặc trưng. Khuyến khích phát triển các trục đi bộ trong khu ở nhằm giảm thiểu các ô nhiễm môi trường do khói bụi từ hoạt động xe cơ giới, tổ chức kết hợp các tuyến đi bộ với các dải “phố vườn” nhằm hình thành nên những không gian xanh đặc trưng cho đô thị.

Các thiết kế trục đi bộ nên theo nguyên tắc sau:

+ Tạo không gian giao lưu giữa các hoạt động đô thị và môi trường tự nhiên. 

+ Tạo nên những điểm dừng chân và điểm chuyển giao phương tiện giao thông từ cơ giới sang hình thức đi bộ và ngược lại gắn kết với hệ thống giao thông công cộng. Cung cấp các tiện nghi như cầu vượt bộ hành, bãi đỗ xe, vệ sinh công cộng, bưu điện, các điểm dừng nghỉ, lối đi cho người khuyết tật. . . .

+ Tạo môi trường và điểm nhìn hấp dẫn cho khách bộ hành, tạo các điểm dừng chân để ngắm cảnh và mua sắm. Sử dụng những mái che mưa nắng cho người đi bộ.

+ Khuyến khích hình thành các không gian phố vườn không có hàng rào nhằm tạo điều kiện cho người đi bộ xuyên suốt. Tăng cường mật độ trồng cây xanh trên các trục đi bộ.

e. Quảng trường:

Các khu vực xây dựng trong đô thị Nhơn Trạch sẽ được thiết kế tuân thủ nguyên tắc tạo nên các hướng mở kết nối theo hướng Đông Tây - Nam Bắc. Trên các hướng mở này sẽ hình thành các trục cảnh quan dành cho đi bộ và quảng trường hội tụ phục vụ đô thị.

Tùy thuộc vào công năng quảng trường và các kiến trúc xung quanh để có giải pháp phù hợp. Thiết kế quảng trường phải đảm bảo quy mô hợp lý, không quá lớn làm mất đi không gian hội tụ cảnh quan, không quá nhỏ đủ để đảm bảo chức năng sử dụng.

Quảng trường là không gian quan trọng trong đô thị, đây là khu vực có ý nghĩa về  không gian biểu trưng cho đô thị trong nhiều lĩnh vực như văn hóa, chính trị, công nghệ v.v. Hơn nữa đây còn là nơi thường được tổ chức các hoạt động văn hóa, sinh hoạt của dân cư đô thị và vùng nên khu vực này cần được tổ chức sao cho vừa có được không gian rộng, thoáng, trang trọng là điểm nhấn không gian cho đô thị, nhưng vẫn tiện nghi cho các hoạt động khác. Trong đó, hệ thống quảng trường trung tâm là nơi tập trung nhiều hoạt động đông người và giao lưu cộng đồng của người dân đô thị trong các ngày lễ hội, lễ tết được thiết kết gắn với các khu trung tâm chính đô thị. Ngoài ra trong các khu chức năng bố trí hệ thống quảng trường khu vực liên kết với các không gian mở và các không gian ven sông.

Các không gian cây xanh quảnh trường, bên cạnh các thảm cỏ hoa, vòi phun nước cũng cần chú ý tới khoảng cây xanh bóng mát. Các đường dạo, tuyến đi bộ tiếp cận thuận tiện với các tuyến giao thông và bãi đỗ xe.

Các tượng đài, biểu tượng, băng rôn, quảng cáo cần được quy định, bố trí phù hợp, tránh làm giảm tầm nhìn hoặc phá vỡ không gian quảng trường. Bố trí hợp lý các thiết bị trong khu vực quảng trường như đèn chiếu sáng, đèn trang trí, các ghế ngồi, thùng rác và chọn lựa hình thức phù hợp.

2.6. Quy định chung về hạ tầng xã hội

2.6.1. Đối với nhà ở:

Đến năm 2030, diện tích bình quân nhà ở khu vực đô thị tối thiểu là 30m2 sàn/người và nhà ở khu vực ngoại thành tối thiểu là 25m2 sàn/người. Đảm bảo bán kính phục vụ cho các đơn vị ở theo quy chuẩn.

Xây dựng nhiều loại hình nhà ở mới đáp ứng cho nhiều đối tượng sử dụng. Ưu tiên phát triển nhà ở công nhân, nhà ở thu nhập thấp phục vụ KCN Nhơn Trạch và thu hút người dân đến ở tại đô thị Nhơn Trạch.

2.6.2. Đối với hệ thống trung tâm hành chính - công sở:

Hoàn thiện trung tâm hành chính huyện Nhơn Trạch hiện hữu tại Long Tân quy mô 33ha. Trong tương lai, khi hình thành thành phố Nhơn Trạch, chuyển đổi thành trung tâm hành chính cấp phường, công trình công cộng và công sở.

Trung tâm hành chính Thành phố mới Nhơn Trạch trong tương lai sẽ được xây dựng tại Khu trung tâm thành phố mới Nhơn Trạch  với quy mô khoảng 20-22ha..., bao gồm  Trụ sở cơ quan UBND, HĐND, Khối Đảng ủy, các phòng ban cấp huyện, khối tư pháp, quảng trường hành chính, văn phòng đại diện...

Trung tâm hành chính cấp phường bố trí trong các khu dân cư. Gồm trụ sở làm việc và các công trình hành chính hỗ trợ khác, quy mô khoảng 0,5-1 ha

2.6.3. Đối với mạng lưới Y tế - Giáo dục:

a. Y tế:

Xây dựng trung tâm dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cấp vùng tại Long Tân trên tuyến đường vành đai 3 thành phố HCM, khoảng 15-20ha. Trung tâm y tế cấp đô thị gồm bệnh viện huyện hiện hữu và 2 bệnh viện xây mới, quy mô khoảng 5ha/bệnh viện tại Phước An và Vĩnh Thanh.

Thiết lập, củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cấp cơ sở theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.

b. Giáo dục:

Về đào tạo: Xây dựng khu đại học tập trung tại phía Bắc sông Đồng Môn, khoảng 300-320ha, đáp ứng khoảng 7,5-8 vạn sinh viên. Duy trì, âng cấp, cải tạo các trường cao đẳng hiện có.

Về giáo dục: Nâng cấp cải tạo và xây dựng mới các trường trung học phổ thông đáp ứng nhu cầu các khu vực dân cư theo tiêu chuẩn hiện hành. Khu vực dân cư hiện hữu, tăng diện tích xây dựng trường phổ thông thông qua dự án tái đầu tư quỹ đất chuyển đổi chức năng, các khu đô thị và khu dân cư nông thôn xây dựng đồng bộ hệ thống giáo dục phổ thông theo quy chuẩn hiện hành.

2.6.4. Đối với hệ thống công trình Văn hóa - TDTT

Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cấp đô thị kết hợp với trung tâm hành chính tại Vĩnh Thanh, quy mô khoảng 30ha bao gồm các công trình nhà hát đô thị, thư viện, bảo tàng,...

Cải tạo và hoàn chỉnh mạng lưới công trình văn hóa theo tầng bậc ở các khu đô thị và các điểm dân cư nông thôn gồm trụ sở nhà văn hóa và khu giải trí có thể kết hợp với công viên, vườn hoa hoặc khối trường học phổ thông, quy mô khoảng 0,5-0,8ha.

Thiết lập hệ thống quảng trường văn hóa, các không gian giao lưu cộng đồng, các không gian đi bộ gắn với các công trình tượng đài, tượng đường phố, tranh tường nghệ thuật lớn… gắn kết với các khu cây xanh, công viên, cơ quan, công trình hành chính công cộng, cơ quan công sở, khu vui chơi giải trí.

2.6.7. Đối với hệ thống thương mại - dịch vụ

Phát triển trung tâm dịch vụ thương mại đầu mối cấp vùng tại điểm giao đường 319 với tuyến cao tốc Long Thành – Dầu Giây và tại điểm giao tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành với đường ra cảng Phước An.

Hình thành mạng lưới trung tâm thương mại dịch vụ hỗn hợp và công cộng cấp đô thị tại khu trung tâm huyện hiện hữu khoảng 24-26ha, khu trung tâm thành phố mới Nhơn Trạch khoảng 32 ha bao gồm các khu dịch vụ thương mại, văn phòng và trung tâm mua sắm. Xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ cấp khu vực dọc theo các trục chính 25B, 25C, đường số 1, đường số 7 và đường vành đai 3 và trung tâm các khu nhà ở

Cải tạo, nâng cấp và phát triển công trình thương mại dịch vụ theo tầng bậc phục vụ các cấp và chợ truyền thống, chợ đầu mối thu mua nông sản tại khu vực nông thôn.

2.6.8. Các khu du lịch

Khai thác phát triển du lịch trên sông Đồng Nai, Nhà Bè, Đồng Tranh kết hợp với du lịch miệt vườn và tham quan rừng ngập mặn.  

Xây dựng các khu du lịch sinh thái Đồi Mô Côi khoảng 480ha, khu du lịch sinh thái Câu lạc bộ xanh khoảng 180ha, khu du lịch văn hóa - lịch sử Giồng Sắn khoảng 115ha; khu du lịch sinh thái Vĩnh Thanh - Phước An khoảng 425ha, khu du lịch Ông Kèo khoảng 250 ha, khu du lịch sinh thái Thuận Thành khoảng 100ha;

Xây dựng 4 khu đô thị du lịch bao gồm Khu đô thị du lịch Đại Phước diện tích khoảng 456ha, Nhơn Phước diện tích khoảng 201ha, Khu đô thị du lịch xã Đại Phước diện tích khoảng 130ha, khu đô thị du lịch xã Long Tân 330ha.

Khu vực bảo tồn sinh thái rừng ngập mặn Phước An, hình thành các điểm du lịch nhỏ với tổng quy mô khoảng 30ha, khống chế các điểm du lịch 2-3ha/điểm, mật độ xây dựng ≤ 20%.

2.6.8. Định hướng các khu cụm công nghiệp

Tổng đất công nghiệp –TTCN khoảng 3.460ha: Lấp đầy KCN Nhơn Trạch, KCN Ông Kèo và cụm tiểu thủ công nghiệp Phú Thạnh - Vinh Thanh. Xây dựng khu dịch vụ hậu cần cảng Phước An khoảng 300ha.

2.6.8. Đối với nông lâm nghiệp

Định hướng đến năm 2030, phát triển nông lâm nghiệp gắn với hình thành không gian xanh bảo vệ môi trường đô thị - nông thôn. Ổn định quỹ đất sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch, sử dụng hiệu quả, hợp lý và tiết kiệm đáp ứng yêu cầu về nông sản, thực phẩm chất lượng cao cho Đô thị Nhơn Trạch.

Đối với nông nghiệp: Xác định các vùng đất ổn định sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô như: trồng rau an toàn, trồng hoa, cây cảnh… theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, gắn với hệ thống dịch vụ phân phối hàng nông sản, cung cấp thuận tiện đến các khu vực dân cư.

Đối với lâm nghiệp: Khoanh vùng bảo vệ diện tích rừng ngập mặn Phước An tập trung phía Đông Nam huyện Nhơn Trạch theo định hướng và quy định của Bộ NN&PTNT nhằm bảo tồn gìn giữ môi trường tự nhiên và phục vụ du lịch.

2.8. Quy định về hệ thống hạ tầng kĩ thuật

Hệ thống công trình đầu mối và hành lang hạ tầng kỹ thuật bao gồm các công trình đầu mối về giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không), thoát nước mặt (hồ, kênh mương, cống thoát nước chính), thoát nước thải (trạm xử lý, trạm bơm, cống thoát nước thải, hồ chứa hoặc xử lý sinh học), cấp điện (trạm biến áp và hành lang tuyến điện 110KV trở lên), cấp nước (nhà máy nước, giếng khai thác, tuyến ống truyền tải), công trình viễn thông, nghĩa trang, tuynel kỹ thuật chính đô thị…Quy hoạch chung quy định vị trí, quy mô, tính chất, nguyên tắc kết nối vận hành và phải được chính xác hóa trong quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Về khoảng cách cách ly an toàn và vệ sinh môi trường tuân thủ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp đối với từng chuyên ngành. Không cho phép xâm phạm các công trình đầu mối, hành lang hạ tầng kỹ thuật hiện có, hoặc chuyển đổi quỹ đất dự kiến sử dụng dành cho công trình đầu mối và hành lang hạ tầng kỹ thuật cho các mục đích sử dụng đất lâu dài khác.

2.8.1. Giao thông

a. Quy định về quản lý phát triển đường đối ngoại

Xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống giao thông đối ngoại của đô thị Nhơn Trạch: cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh, quốc lộ 51.

Quản lý, đảm bảo hành lang an toàn đường bộ, tổ chức đường gom tại các đoạn qua khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp. Xác định, cắm mốc hành lang bảo vệ các tuyến đường theo quy định.

Phát triển công trình giao thông: xây dựng mới, cải tạo nâng cấp hệ thống cầu qua sông Đồng Nai, Lòng Tàu, Sài Gòn; hệ thống các nút giao thông khác mức; hệ thống bến bãi đỗ xe liên tỉnh (xây mới 3 bến xe khách đạt tiêu chuẩn loại I).

Phân tách rõ, đồng thời đảm bảo kết nối hợp lý giữa giao thông đối ngoại và mạng lưới đường đô thị.

Đảm bảo kết nối thống nhất giữa các loại hình giao thông đường không, đường sắt và đường thủy nội địa với mạng lưới đường bộ đối ngoại và đô thị.

b. Quy định về quản lý phát triển mạng lưới đường đô thị

Mật độ mạng lưới đường chính đô thị (tính đến đường chính khu vực) đạt 4-7 km/km2; tỷ lệ đất giao thông đạt từ 20-26%; vận tải hành khách công cộng đáp ứng trên 30% năm 2020 và đạt trên 40% năm 2030; Mật độ mạng lưới giao thông công cộng đạt 2-3 km/km2.

Xây mới, cải tạo, hoàn thiện, liên thông các trục chính mạng lưới ô bàn cờ đảm bảo kết nối, an toàn và thông suốt.

Công trình giao thông: xây dựng các nút giao cắt khác mức tại cửa ngõ điểm giao cắt trục chính và giao thông đối ngoại. Xây dựng, cải tạo hệ thống nút giao thông, đảo dẫn hướng, đèn tín hiệu. Dành đủ quỹ đất để bố trí hệ thống bến bãi đỗ xe; các công trình công trình công cộng, thương mại dịch vụ và nhà ở phải đảm bảo đủ chỗ để xe.

Mạng lưới đường đô thị phải được phân rõ theo cấp hạng đường bằng các giải pháp quy hoạch, kỹ thuật và điều hành quản lý đảm bảo giao thông thuận lợi, an toàn và thông suốt.

c. Quy định về quản lý phát triển đường sắt

Đường sắt quốc gia: xây dựng, cải tạo theo định hướng phát triển đường sắt quốc gia. Xây dựng đường sắt đô thị Thủ Thiêm – Long Thành.

Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam: thực hiện theo dự án chuyên ngành riêng.

Đảm bảo hành lang bảo vệ an toàn đường sắt đối với đoạn đi ngoài và trong đô thị,

Đảm bảo dành đủ quỹ đất xây dựng nhà ga đường sắt và xây dựng các công trình dịch vụ phục vụ hệ thống đường sắt.

d. Quy định về quản lý đường thủy

Cải tạo, nạo vét các tuyến đường thủy quốc gia và nội địa đảm bảo thông tuyến quanh năm. Đảm bảo tĩnh không các tuyến sông theo quy định về vận tải thủy và tiêu thoát nước.

Xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống cảng hàng hóa, cả hành khách và bến thuyền du lịch dọc các tuyến đường thủy phục vụ nhu cầu vận tải đường thủy.

e. Quy định về quản lý đường hàng không

Xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo tiêu chuẩn của ICAO.

f. Quy định phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông

Phạm vi bảo vệ đường bộ.

+ Đối với đường ngoài đô thị: đảm bảo hành lang bảo vệ các tuyến đường theo quy định của Luật giao thông đường bộ và Nghị định 100/2013/NĐ-CP của chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

+ Đối với đường đô thị: phải tuân thủ đúng chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng của các tuyến theo quy hoạch được duyệt.

Phạm vi bảo vệ đường sắt: Hành lang bảo vệ tuyến và công trình đường sắt phải tuân thủ theo các quy định của Luật đường sắt số 35/2005/QH11; Nghị định số 109/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật đường sắt.

Phạm vi bảo vệ hàng không: Tuân thủ các quy định của Luật hàng không dân dụng số 66/2006/QH11 và Nghị định số 94/2007/NĐ-CP về quản lý hoạt động bay.

Phạm vi bảo vệ đường thuỷ: Tuân thủ các quy định của Luật đường thủy nội địa số 23/2004/QH11 và Nghị định số 71/2006/NĐ-CP về quản lý cảng biển và luồng hàng hải.

2.8.2. Cao độ nền, thoát nước mưa

a. Quy định về  phòng, chống lũ lụt và phòng chống thiên tai:

Quy định về mức đảm bảo phòng chống lũ trên các tuyến sông có đê: Hành lang thoát lũ và khu đệm phải phù hợp với quy hoạch đê điều, quy hoạch tiêu  thoát lũ được cấp thẩm quyền phê duyệt. Việc đầu tư xây dựng, khai thác sử dụng các công trình trong phạm vi bãi sông, hành lang đê điều tuân thủ các quy định của pháp luật về đê điều, phòng chống lụt bão và tiêu thoát lũ.

b. Quy định về cao độ nền

Quy định cao độ nền xây dựng cho từng đô thị, điểm dân cư nông thôn phải tuân thủ theo Quy chuẩn quy hoạch xây dựng QCVN 01:2008.

Khu vực tương đương đô thị loại 2: Cao độ xây dựng  dân dụng hxd≥ Hmax lớn nhất (ứng với tần suất P=2%)+0,3m.

Khu công nghiệp: Cao độ xây dựng  dân dựng hxd≥ Hmax lớn nhất ứng với tần suất P=2%+0,5m.

Khu cây xanh, cao độ xây dựng hxd≥ Hmax lớn nhất (ứng với tần suất P=10%).

Quy định về quản lý, kiểm soát cao độ các công trình xây dựng xen cấy: phải đảm bảo cao độ nền hài hòa với các công trình đã xây dựng ổn định, không được làm ảnh hưởng tới công tác thoát nước và mỹ quan chung của đô thị .

c. Quy định về thoát nước mưa

Hệ thống thoát nước mưa phải bảo đảm thoát nước mưa trên toàn lưu vực dự kiến quy hoạch ra các hồ, sông, suối hoặc trục tiêu thủy lợi.... Tùy thuộc vào cấp đô thị, tính chất các khu chức năng và diện tích của lưu vực thoát nước, mạng lưới đường cống và các công trình trên hệ thống cần được tính toán với chu kỳ mưa phù hợp.

Về thu gom nước mưa: 100% đường nội thị phải có hệ thống thoát nước mưa; Tối thiểu 60%  đường ngoại thị phải có hệ thống thoát nước mưa; Đường có chiều rộng ³ 40m, phải bố trí hệ thống thoát nước mưa hai bên đường.

Đối với các mương, suối chảy qua đô thị, cần phải kè bờ và tùy theo yêu cầu của đô thị, cần có các giải pháp phù hợp với yêu cầu cảnh quan và môi trường đô thị.

2.8.3. Cấp nước

a. Quy định về sử dụng nguồn nước

Tiếp tục sử dụng nguồn nước hiện đang sử dụng: nước ngầm, nước mặt sông Đồng Môn và bổ sung nguồn nước mặt sông Đồng Nai tại Thiện Tân - Biên Hòa.

b. Quy định về công trình đầu mối

Tiếp tục sử dụng và nâng công suất các nhà máy nước hiện có: nhà máy nước ngầm Nhơn Trạch, nhà máy nước khu công nghiệp Nhơn Trạch I, Đại Phước và các trạm tăng áp Nhơn Trạch, Phú Hữu.

c. Quy định phạm vi bảo vệ nguồn nước và công trình đầu mối

Đối với điểm lấy nước thô trên sông Đồng Môn, sông Đồng Nai tại Thiện Tân- Biên Hòa: Khoảng cách bảo vệ từ điểm lấy nước về phía thượng lưu là 500m, về phía hạ lưu là 200m. Nghiêm cấm: Đào hố phân, rác, hố vôi, chăn nuôi, xả rác và nước thải sinh hoạt.                                                                                                                                                

Đối với các nhà máy nước ngầm Nhơn Trạch, nhà máy nước khu công nghiệp Nhơn Trạch I, Formosa, Đại Phước và các trạm tăng áp Nhơn Trạch, Phú Hữu: Trong phạm vi 30m kể từ chân tường các công trình xử lý phải xây tường rào bảo vệ bao quanh. Bên trong tường rào không được xây dựng nhà ở, công trình vui chơi, sinh hoạt, vệ sinh, không được bón phân cho cây trồng và không được chăn nuôi súc vật.

d. Quy định về mạng lưới cấp nước

Kiểm soát chặt chẽ các điểm đấu nối trên tuyến ống truyền dẫn từ nhà máy nước tại Tân Biên- Biên Hòa về Nhơn Trạch.

Mạng lưới cấp nước đô thị: cấu trúc theo dạng mạng vòng, thiết kế lắp đặt đảm bảo độ sâu chôn ống và đảm bảo khoảng cách an toàn đến các công trình và các đường ống xung quanh.

Trong từng khu công nghiệp thiết kế mạng lưới cấp nước riêng. Các khu công nghiệp đấu nối với hệ thống cấp nước chung đô thị thông qua trạm tăng áp từng khu.

Khoảng cách bảo vệ đường ống cấp nước phân phối chính tối thiểu là 0,5m.

2.8.4. Cấp điện, chiếu sáng đô thị

a. Quy định về dảm bảo độ tin cậy cấp điện

Quy định về đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện: cho lưới 220kV và 500kV theo tiêu chuẩn (n-2), cho lưới 110kV theo tiêu chuẩn (n-1).

b. Quy định về nguồn điện

Nguồn điện cấp cho đô thị Nhơn Trạch được lấy từ hệ thống điện Quốc gia thông qua các công trình đầu mối sau: Trung tâm nhiệt điện Nhơn Trạch cs 1.200MW; TBKHH MN cs 1.500MVA; NĐ Formasa cs 150MW.

c. Quy định về lưới 500kV

Giữ nguyên hướng tuyến 500kV hiện hữu, đảm bảo hành lang an toàn lưới điện. Đối với tuyến 500kV xây mới, hướng tuyến đi trên khu vực đất không thuận lợi xây dựng, cách xa trung tâm đô thị.

d. Quy định về lưới  220KV

Giữ nguyên vị trí và hướng tuyến trạm và đường dây 220kV hiện hữu, đảm bảo hành lang an toàn lưới điện.

Đối với tuyến 220kV cấp điện cho trạm 220kV Nhơn Trạch, một phần đi trên khu vực cây xanh, đất nông nghiệp, một phần đi trên giữa bunva giữa đường, sử dụng cột trụ tròn. Đối với các tuyến khác đi trên khu vực cây xanh, đất hành lang kỹ thuật.

Lưới điện dùng dây dẫn có tiết diện lớn từ 400mm2 đến 660mm2 hoặc phân pha, hành lang hướng tuyến trong đồ án mang tính chất định hướng, vị trí cụ thể sẽ được làm rõ ở giai đoạn sau của dự án.

e. Quy định lưới và trạm điện 110KV:

Cải tạo nâng tiết diện đối với một số tuyến hiện hữu đảm bảo độ tin cậy cấp điện cho các phụ tải, đặc biệt là các phụ tải công nghiệp.

Lưới điện 110kV sử dụng dây có tiết diện AC240mm2 đi nổi trên đất cây xanh hoặc giữa bunva đường.

Các trạm 110kV được cấp điện ít nhất từ 02 nguồn điện, đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện.

f. Quy định về quản lý lưới trung thế

Đối với mạng lưới trung thế hiện hữu khu vực trung tâm đô thị cần được hạ ngầm đảm bảo mỹ quan đô thị. Trong khu công nghiệp cải tạo nâng cấp tiết diện dây dẫn, tiết diện ≥240mm2.

Đối với mạng lưới trung thế xây mới theo nguyên tắc hạ ngầm đối với khu trung tâm đô thị, khu vực đô thị mới ổn định về quy hoạch; đi nổi trên cột bê tông ly tâm đối với khu công nghiệp, ngoại thị.

Kết cấu lưới đảm bảo nguyên tắc mạch vòng vận hành hở, độ mang tải ≤ 70% đảm bảo độ dự phòng khi sự cố.

2.8.5. Thông tin liên lạc

Hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo độ tin cậy về thông tin đến người dân, đặc biệt là chất lượng thông tin phục vụ  nhiệm vụ an ninh, quốc phòng

Công trình thông tin – liên lạc công cộng nên được ưu tiên sử dụng không gian, mặt đất, lòng đất, đáy sông. Các đường cáp viễn thông, đường dây thuê bao được kết hợp đi dọc đường giao thông, cầu, cống, hè phố, đường điện để thuận tiện cho việc lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng công trình. Các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được nên đặt tại các nhà ga, bến xe, bến cảng và các địa điểm công cộng khác để phục vụ nhu cầu của người sử dụng. Nghiêm cấm xâm phạm công trình thông tin liên lạc.

Đảm bảo hạ tầng thông tin liên lạc có tính thống nhất, đồng bộ với các hạ tầng kỹ thuật khác

Đối với các doanh nghiệp khai thác dịch vụ viễn thông cần phải phối hợp với các cơ quan có liên quan và các doanh nghiệp khác xây dựng và sử dụng chung hạ tầng viễn thông. Đặc biệt là mạng ngoại vi và trạm thu phát sóng

Đối với trạm chuyển mạch điều khiển và trạm vệ tinh: Đáp ứng được nhu cầu hiện tại và sẵn sàng chuyển sang công nghệ thế hệ sau.

Đối với mạng truyền dẫn: Nên sử dụng công nghệ quang có khả năng cung cấp giao diện STM-1đến STM-4 và E1.

Đối với kết cấu hệ thống mạng: Hạ ngầm toàn bộ cáp liên đài cũng như cáp ngoại vi trong khu vực trung tâm và các điểm dân cư mới, đô thị tập trung đông dân cư. Hệ thống cống bể, bể cáp, hầm cáp và bể cáp cần phải đáp ứng đúng theo tiêu chuẩn ngành cũng như tiêu chuẩn quốc gia hiện hành. Trong  trường hợp không thể hạ ngầm được mới sử dụng cáp treo

Trạm thu phát sóng: khi xây dựng trạm thu phát sóng (BTS) cần phải đảm bảo đầy đủ thủ tục cũng như tiêu chuẩn hiện hành của bộ Xây Dựng và bộ Thông Tin và Truyền Thông. Đặc biệt là tiêu chuẩn TCVN 3718-1-2005 về an toàn bức xạ sóng radio

Đối CNTT: Nên ứng dụng công nghệ mới để tích hợp với các thiết bị viễn thông nhằm cung cấp đa dịch vụ.

2.8.6. Quy hoạch thoát nước thải, quản lý CTR và nghĩa trang

a. Thu gom và xử lý nước thải

Khu vực đô thị:

+ Sử dụng hệ thống thoát nước riêng cho nước mưa và nước thải.

+ Xử lý nước thải tập trung.Trạm XLNT được đặt ở cuối nguồn nước, trong khu vực cây xanh.

+ Nước thải sinh hoạt sẽ được đưa về các trạm xử lý nước thải tập trung để xử lý theo QCVN 14 -2008 “Nước thải đô thị - Tiêu chuẩn thải”; Nước thải công nghiệp cần phải xử lý cục bộ đạt tiêu chuẩn theo giới hạn B của  QCVN 24-2009 “Chất lượng nước - Nước thải công nghiệp - Tiêu chuẩn thải”.

+ Xây dựng các trạm xử lý nước thải có công suất 1.000 đến 11.000 m3/ngđ.

+ Nước thải y tế sẽ được đưa về các trạm xử lý nước thải riêng để xử lý theo QCVN 28 -2010/BTNMT.

Khu vực điểm dân cư nông thôn:

+ Thoát nước chung với nước mưa. Nâng cấp, xây dựng hệ thống mương thoát nước, nạo vét, mở rộng mương, cải tạo mương khai thông dòng chảy.

+ Xử  lý nước thải theo mô hình cục bộ, từng hộ gia đình hoặc mô hình tập trung theo cụm các cơ sở sản xuất.

+ Công nghiệp làng nghề: xử lý nước thải sơ bộ đạt tiêu chuẩn loại C của QCVN 24-2009 trước khu xả vào hệ thống thoát nước của khu vực.

b. Quản lý chất thải rắn

CTR sinh hoạt:

+ Khu vực đô thị: CTR sinh hoạt được thu gom và phân loại tại nguồn theo 2 loại vô cơ và hữu cơ, sau đó đưa về các điểm trung chuyển CTR trước khi vận chuyển đến khu xử lý.

+ Khu vực nông thôn: mỗi cụm dân cư xây dựng 01 bãi tập trung CTR để phân loại trước khi vận chuyển đến khu xử lý.

CTR công nghiệp: CTR không nguy hại được bán lại cho các đơn vị thu gom phế liệu để tái chế tái sử dụng để giảm thiểu khối lượng chôn lấp; Phần còn lại vận chuyển đến các cơ sở xử lý CTR công nghiệp; CTR nguy hại: được thu gom và xử lý riêng.

Khu vực làng nghề : Các cơ sở sản xuất sẽ ký hợp đồng thu gom và xử lý CTR công nghiệp, chất thải nguy hại với các đơn vị chuyên trách của tỉnh, chuyển CTR về khu xử lý của đô thị.

CTR  y tế : xây dựng lò đốt CTR y tế ngay trong khuôn viên bệnh viện. CTR y tế nguy hại được thu gom và xử lý riêng

Xử lý CTR: Chất thải rắn sinh hoạt dự kiến đưa về các khu xử lý CTR Bàu Cạn huyện Long Thành, quy mô 100 ha.

c. Quản lý nghĩa trang nhân dân:

Quy định về sử dụng nghĩa trang và hình thức mai táng:

Khu vực sử dụng nghĩa trang tập trung Vĩnh Thanh (60ha), ưu tiên hình thức hỏa táng. Đóng cửa, di chuyển, cải tạo thành công viên đối với các nghĩa trang không đảm bảo khoảng cách ly, gây ô nhiễm môi trường, đã lấp đầy.

Khoảng cách ly vệ sinh môi trường đến điểm dân cư, công trình công cộng gần nhất phải tuân thủ Quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng. Cụ thể:

+ Đối với nghĩa trang có hung táng: tối thiểu là 1.500m nếu không có hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ từ mộ hung táng; tối thiểu là 500m nếu có hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ từ mộ hung táng.

+ Đối với nghĩa trang chôn cất 1 lần: tối thiểu là 500m; Đối với nghĩa trang cát táng: tối thiểu là 100m; Đối với lò hỏa táng: bán kính tối thiểu là 500m tính từ ống khói lò hỏa táng

Trường hợp do điều kiện đất đai hạn chế phải có biện pháp kỹ thuật, môi trường để giảm khoảng cách ly vệ sinh môi trường nhưng phải được cơ quan quản lý môi trường thẩm định chấp thuận

2.9. Quy định về môi trường

       Phân vùng và đảm bảo các quy định về môi trường cho từng phân vùng như sau:

1. Phân vùng đô thị và khu dân cư tập trung:

Xây dựng hệ thống hạ tầng khung và hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng của từng dự án phát triển tại khu vực trung tâm đô thị mới Nhơn Trạch, dải đô thị vành đai, dải đô thị ven sông Đồng Nai.

Tăng cường nhận thức cho người dân và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường khu dân cư: phân loại chất thải rắn tại nguồn, giữ gìn vệ sinh chung, tham gia các hoạt động cộng đồng nhằm bảo vệ môi trường khu vực, sử dụng các nhiên liệu, vật liệu và công nghệ thân môi trường .

Quản lý các hoạt động xả thải ra nguồn tiếp nhận đặc biệt là môi trường nước mặt (sông, hồ đô thị và các sông chính: sông Đồng Nai, sông Thị Vải), đảm bảo xả thải đúng quy định và các tiêu chuẩn về môi trường.

Đảm bảo mật độ xây dựng, hệ thống hạ tầng xã hội và cây xanh theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn và phương án quy hoạch được phê duyệt.

Kè chống xói lở và có kế hoạch nạo vét bùn cặn, đảm bảo tiết diện thoát nước cho hệ thống kênh và hồ.

2. Khu vực cây xanh, mặt nước đô thị

Bảo đảm tỷ lệ diện tích, cây xanh mặt nước theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn và phương án quy hoạch đã được phê duyệt.

Tận dụng hệ thống cây xanh mặt nước cho công tác tiêu thoát nước và phòng chống ngập úng đô thị dựa trên việc tăng cường khả năng lưu chứa nước tạm thời của các khu vực cây xanh công viên tại các bồn trũng, bể chứa ngầm, tăng cường khả năng điều tiết của hệ thống các hồ nước kết hợp với tạo cảnh quan và điều hòa vi khí hậu, tăng cưởng khả năng dẫn và tiêu nước của các kênh và sông suối, tăng cường khả năng thấm hút của các mặt phủ của khu vực cây xanh.

Bảo vệ môi trường nước bằng việc không cho phép xả nước thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường trực tiếp ra sông, hồ và kênh thoát nước. Quy hoạch vị trí và chất lượng nước tại các điểm xả để đảm bảo khả năng tự làm sạch và phù hợp với khả năng tiếp nhận chất ô nhiễm của sông, hồ.

Tăng cường hợp tác liên vùng để giải quyết các vấn đề ô nhiễm có tính liên vùng: như các vấn đề ô nhiễm lưu vực sông Đáy.

Kè chống xói lở và có kế hoạch nạo vét bùn cặn, đảm bảo tiết diện thoát nước cho hệ thống kênh và hồ.

3. Khu vực công nghiệp tập trung

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại các khu, cụm công nghiệp: Ông Kèo, Nhơn Trạch, cụm CN Vĩnh Thanh- Phú Hội

Ứng dụng sản xuất sạch hơn và sử dụng các công nghệ tiên tiến, ít phát thải, tăng cường sử dụng lại phế thải công nghiệp và áp dụng quy trình sử dụng tuần hoàn nước. Quản lý và xử lý khí thải đúng quy định.

Đảm bảo mật độ xây dựng và hệ thống cây xanh cách ly, cây xanh trong khu công nghiệp theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn và phương án quy hoạch được phê duyệt, tăng cường trồng cây xanh trong khuôn viên và tuân thủ các quy định về hành lang cây xanh cách ly khu công nghiệp.

4. Vùng sinh thái rừng ngập mặn

Trồng mới, khôi phục, bảo vệ diện tích rừng ngập mặn hiện trạng

Giao khoán rừng cho các hộ gia đình, kết hợp giữa trồng rừng và nuôi trồng thủy sản thân thiện môi trường;

Thông tin, tuyên truyền nhận thức người dân vai trò của rừng ngập mặn với bảo vệ môi trường và chống lại tác động của biến đổi khí hậu.

5. Các công trình đầu mối hạ tầng cần khoảng cách ly

Đảm bảo khoảng cách ly và các quy định trong khoảng cách ly đối với các công trình hạ tầng (đường giao thông, nghĩa trang, trạm xử lý nước thải, đường điện cao thế ...)

Tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường và phòng tránh các sự cố môi trường: trồng cây xanh cách ly, sử dụng các công nghệ ít nguy cơ ô nhiễm đối với khu vực nghĩa trang, trạm xử lý nước thải...    

Không xả thải trực tiếp vào nguồn nước trong phạm vi bảo vệ nguồn nước dùng cho sinh hoạt theo đúng quy định.

6. Khu vực nông thôn bao gồm: dân cư nông thôn và vùng sản xuất nông nghiệp

Tăng cường các tiện ích đô thị cho khu vực dân cư nông thôn, từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng áp dụng các công nghệ thân môi trường.

Sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả vừa đảm bảo kinh tế cho người dân vừa đảm bảo bảo vệ chất lượng đất, sử dụng phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật đúng cách.

Thu gom và xử lý các phụ phẩm nông nghiệp theo hướng xử lý tại chỗ và tăng cường sử dụng lại các phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp để phục vụ cho chính sản suất nông nghiệp và cho sinh hoạt của dân cư nông thôn.

Quyết định số; 455/QD-TTg  xem tại đây 

Bản đồ quy hoạch Nhơn Trạch 2030 xem tại đây

Nguồn: Cổng thông tin quy hoạch bộ xây dựng

 

Tin liên quan

Copyright © 2018 - All Rights Reserved. Design by Thiết kế web https://zland.vn

Hotline/zalo
Quý vị để lại thông tin chúng tôi sẽ liện hệ lại ngay
Số điện thoại
Họ Tên *
Ghi chú
+