Đã có nhiều thông tin trái chiều liên quan đến việc xây dựng cầu Cát Lái nên ngành chức năng vẫn khuyên người dân chọn lọc kỹ thông tin, tìm hiểu mọi thứ tránh hoang mang.
Khu vực phà Cát Lái đang hoạt động.
Thông tin về dự án
Cách đây 3 năm, dự án xây dựng cầu Cát Lái để thay thế cho phà Cát Lái được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Sau đó Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án cầu thay thế phà Cát Lái trên cơ sở thống nhất của UBND tỉnh Đồng Nai với UBND TP.HCM về hình thức đầu tư và phương án triển khai thực hiện các hạng mục công trình.
Cầu Cát Lái có chiều dài 3.782m với tổng vốn đầu tư 7.200 tỷ đồng, có phần chính dài 650m, rộng 37,7m, gồm 6 làn xe cơ giới và 3 làn xe thô sơ, lề bộ hành mỗi bên 1,5m, kết cấu bằng dây văng hai trục tháp.
Dự kiến, khi có Cầu Cát Lái, hệ thống giao thông TPHCM - Đồng Nai - Vũng Tàu sẽ thông suốt; đặc biệt, khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác, cầu Cát Lái kết hợp tỉnh lộ 25C sẽ hình thành tuyến kết nối TP HCM - sân bay Long Thành, chia sẻ lưu lượng với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây vốn đang quá tải.
Đến nay việc “khởi động” dự án xây dựng cầu Cát Lái là điều trong tầm tay và đây là thông tin được người dân TP HCM và Đồng Nai rất mong đợi.
Tuy nhiên vào những ngày đầu tháng 8 trên mạng xã hội, một số trang tin điện tử xuất hiện thông tin là Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai nói rằng tiến độ triển khai xây dựng cầu Cát Lái đang bị chậm so với kế hoạch vì nhà đầu tư đã rút khỏi dự án.
Cụ thể các thông tin nhan nhản trên mạng nói rằng theo quy hoạch, cầu Cát Lái sẽ được triển khai xây dựng sau năm 2025 còn ở giai đoạn 2020 - 2025 là tập trung làm tuyến cầu đường quận 9 nối với huyện Nhơn Trạch.
Cũng theo Sở Xây dựng thời gian qua một số nhà đầu tư đặt vấn đề với tỉnh Đồng Nai làm cầu Cát Lái, nhưng lại không tham gia nghiên cứu và họ đề xuất làm cầu độ tĩnh không bằng cầu Sài Gòn hiện tại. Nhưng nếu làm như vậy thì tàu chở container, hàng hóa không thể đi qua để vào Tân cảng ở TP.HCM được.
Vì vậy, Sở Xây dựng đề xuất độ tĩnh không cầu Cát Lái phải 55m thì nhà đầu tư đã rút lui. Hiện Đồng Nai đang kêu gọi nhà đầu tư hợp tác làm cầu Cát Lái tuy nhiên tiến độ thực hiện cũng đang chậm.
Đại diện Sở Xây dựng cũng cho biết, hiện nay một số nhà đầu tư bất động sản đưa thông tin xây dựng khu đô thị ở xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) để đón cầu Cát Lái sau khi hoàn thành. Nhưng khi nghiên cứu cây cầu độ tĩnh không 55m cộng với đường dẫn thì cầu Cát Lái sẽ xuống xã Đại Phước (huyện Nhơn Trạch) chứ không phải ở xã Phú Hữu. Lúc này xã Phú Hữu sẽ nằm dưới gầm cầu nên không thể làm đô thị như thông tin đang lan truyền.
Cầu Cát Lái sẽ thay thế cho phà Cát Lái trong tương lai
Thực hư ra sao
Trong khi đó, trước thông tin về việc chủ đầu tư rút khỏi dự án vì độ tĩnh của cầu bị thay đổi thì mới đây chia sẻ với báo chí, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho hay thông tin chủ đầu tư rút lui khỏi dự án xây dựng cầu Cát Lái vì độ tĩnh không 55 m là không chính xác. Hiện nay phía TP.HCM vẫn chưa thống nhất đường dẫn cầu. Vì vậy chưa thể xác định nhà đầu tư trong việc xây dựng dự án cầu Cát Lái do đó thông tin nhà đầu tư rút lui là mờ hồ, ảo.
Còn đại diện Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cũng khẳng định là trong cuộc gặp với các doanh nghiệp thuộc CLB Bất động sản Việt Nam và CLB Bất động sản TP.HCM mới đây thì một lãnh đạo Sở này có nói rằng Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đề xuất độ tĩnh không cầu Cát Lái phải 55 m. Và không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến nhà đầu tư hay các vấn đề bất động sản như một số trang tin đã đưa.
Được biết theo kế hoạch, cầu Cát Lái được chia làm 3 dự án thành phần, dự kiến gồm phần đường dẫn phía TP.HCM dài 623m, quy mô mặt cắt ngang rộng 60m. Đồng Nai kiến nghị Chính phủ giao UBND TP.HCM triển khai thực hiện theo loại hợp đồng BT. Phần đường dẫn phía tỉnh Đồng Nai dài 263m, rộng 56m sẽ do tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện theo hợp đồng BT. Phần cầu chính sẽ do UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện theo hợp đồng BOT.
Khi cầu Cát Lái được xây dựng sẽ tạo điều kiện tốt cho các xã Phú Hữu, Đại Phước và Phú Đông của huyện Nhơn Trạch phát triển. Hiện một số dự án đang thu hút đầu tư như đường liên cảng để phát triển cụm cảng biển nhóm 5. Theo quy hoạch, tuyến đường liên cảng có chiều dài gần 15km, đi qua các xã: Đại Phước, Phú Hữu, Phú Đông, Phước Khánh và Vĩnh Thanh như vậy việc được kết nối giao thông với TP.HCM là tín hiệu rất đáng mừng.
Ngoài đất thổ cư, đất nông nghiệp cũng được nhiều nhà đầu tư săn mua với giá rất cao trong thời gian qua. Hiện nay tình trạng sốt đất ở Nhơn Trạch vẫn đang ở mức cao nhất là thời điểm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. Tuy nhiên ngành chức năng cũng khuyến cáo người dân muốn mua đất cần đến ủy ban phường, xã,… để tìm hiểu về vị trí, giấy tờ liên quan đến thửa đất mình muốn mua. Tránh việc tiền mất tật mang, giấy tờ pháp lý không rõ ràng, ảnh hưởng lâu dài.
Nguồn: PhapluatPlus.vn
Copyright © 2018 - All Rights Reserved. Design by Thiết kế web https://zland.vn